Vượt mặt Messenger, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin được nhiều người yêu thích nhất tại Việt Nam. Do đó, cũng không có gì khó hiểu khi nền tảng này luôn là miếng mồi béo bở đối với tin tặc.
Đa số ai trong chúng ta cũng có thói quen tò mò về các mối quan hệ xung quanh (vợ, chồng, người yêu, đối tác…) dẫn đến ham muốn đọc trộm tin nhắn, thăm dò sự thủy chung của đối phương… và rất nhiều lí do khác.
Khi thử tìm kiếm từ khóa “đọc trộm tin nhắn Zalo” trên Google hoặc Facebook, bạn sẽ thấy xuất hiện hàng loạt dịch vụ, hội nhóm nhận theo dõi, định vị, đọc trộm tin nhắn Zalo… với nhiều mức giá khác nhau.
Rất nhiều dịch vụ, hội nhóm hỗ trợ đọc trộm tin nhắn Zalo. Ảnh: TIỂU MINH
Đa số các dịch vụ này đều quảng cáo với nội dung tương tự như nhau, đơn cử như: “Hỗ trợ đọc trộm tin nhắn Zalo, Facebook, lấy lại tài khoản, xong mới thanh toán, không cọc trước”. Tuy nhiên, khi thử liên lạc với một tài khoản nhận làm dịch vụ, người này cho biết phí dịch vụ là 500.000 đồng và phải chuyển khoản trước mới “chốt đơn”.
Ngoài ra, kẻ gian còn gửi hình một số đoạn chat của người khác với nội dung đã chuyển khoản, hài lòng về dịch vụ, phản hồi tốt… để tạo lòng tin nơi bạn.
Và tất nhiên là nếu bạn đặt cọc hoặc chuyển khoản trước, ngay lập tức kẻ gian sẽ “biến mất” bằng cách chặn hoàn toàn tài khoản Facebook, Zalo của bạn. Thông thường, nạn nhân cũng sẽ không dám chia sẻ thông tin về việc bị lừa đảo chỉ vì muốn đọc trộm tin nhắn Zalo, do đó đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Theo anh Nguyễn Phạm Hoàng Huy - Chủ nhiệm bộ môn TMĐT FPT Polytechnic: “Khi bạn nhấp vào một liên kết lạ, kẻ gian có thể thu thập được token, cookie và chiếm quyền điều khiển Zalo, Facebook hoặc xem trộm tin nhắn từ xa. Hình thức lừa đảo này vốn không phải là mới nhưng vẫn còn rất nhiều người bị lừa và trở thành nạn nhân của kẻ gian”.
Thông tin kẻ gian thu thập được bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực 2 lớp… Ảnh: TIỂU MINH
Tuy nhiên, đa số các dịch vụ hỗ trợ đọc trộm tin nhắn Zalo chủ yếu hiện nay đều nhắm đến việc lừa tiền cọc của người dùng.
Để hạn chế, người dùng không nên nhấp vào liên kết lạ hoặc mở trực tiếp các tệp tin do người khác gửi đến. Thay vào đó, bạn nên sử dụng dịch vụ VirusTotal để kiểm trước khi mở, hoặc sử dụng trình duyệt ở chế độ ẩn danh.
Lưu ý, việc đọc trộm tin nhắn của các thành viên trong gia đình (chồng đọc của vợ hoặc ngược lại), sau đó phát tán nội dung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt lên đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu xét theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị phạt đến 50 triệu đồng hoặc cao nhất là ở tù 3 năm.
Làm thế nào để bảo mật Zalo?
Để tránh bị lộ mật khẩu Zalo hoặc rò rỉ thông tin, bạn đọc có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau đây.
Đầu tiên là kích hoạt tính năng mã hóa đầu cuối bằng cách cập nhật ứng dụng Zalo trên điện thoại hoặc máy tính lên phiên bản mới nhất.
Đối với điện thoại, bạn hãy mở ứng dụng Zalo và bấm vào cuộc trò chuyện cần nâng cấp mã hóa. Tiếp theo, người dùng chỉ cần bấm vào biểu tượng menu ở góc trên bên phải, sau đó chọn Mã hóa đầu cuối - Nâng cấp, chờ một lát cho đến khi quá trình này hoàn tất.
Ngược lại, nếu đang sử dụng Zalo PC trên máy tính, người dùng chỉ cần chọn cuộc hội thoại cần mã hóa, bấm vào biểu tượng menu ở góc trên bên phải và chọn Thiết lập bảo mật - Mã hóa đầu cuối - Nâng cấp mã hóa đầu cuối.
Sau khi nâng cấp hoàn tất, bên cạnh tên cuộc trò chuyện sẽ có thêm biểu tượng “ổ khóa” để phân biệt với các cuộc trò chuyện chưa có mã hóa đầu cuối.
Thứ hai là kích hoạt tính năng xác thực 2 lớp bằng cách truy cập vào mục Cá nhân - Tài khoản và bảo mật - Xác thực 2 lớp. Kể từ lúc này, Zalo sẽ yêu cầu mã kích hoạt khi tài khoản của bạn được đăng nhập trên thiết bị lạ.
Kích hoạt xác thực 2 lớp trên Zalo. Ảnh: TIỂU MINH