Máy tính và các thiết bị ngoại vi kèm theo (chẳng hạn như webcam để thực hiện họp trực tuyến từ xa) cũng góp phần không nhỏ khiến tiền điện hàng tháng tăng cao. Trên thực tế, một máy tính (và màn hình) có thể tiêu thụ lượng điện năng tương đương với tủ lạnh và đây có thể là lý do cần thiết để xem xét các giải pháp tiết kiệm điện cho máy tính.
Lưu ý: Ngay cả khi quay trở lại làm việc tại văn phòng, người dùng cũng nên áp dụng những kỹ thuật này để tiết kiệm năng lượng cho công ty cũng như lợi ích chung của xã hội.
Sử dụng phù hợp các chế độ
Một máy tính điển hình cho công việc văn phòng sử dụng công suất trung bình khoảng 300W, điều này có nghĩa tương đương khoảng 1.095 kWh điện (nếu sử dụng 10 giờ mỗi ngày). Ở Việt Nam, tùy theo mức thang điện sử dụng mà người dùng sẽ phải thanh toán điều này ở mức khác nhau, nhưng bài viết ví dụ ở mức trung bình khoảng 2.000 đồng/kWh. Điều này có nghĩa số tiền mà chúng ta chi ra hàng năm vào khoảng 2.190.000 đồng cho chiếc máy tính đó.
Ở chế độ chờ, máy tính cũng tiêu thụ lượng điện năng nhất định. Vì vậy, bằng cách tắt máy tính và thiết bị ngoại vi khi không còn sử dụng nó nữa và sử dụng các biện pháp quản lý năng lượng khi bật thiết bị, người dùng có thể cắt giảm đáng kể chi phí cho điều đó. Nếu sử dụng máy tính trong 6 giờ mỗi ngày, người dùng có thể tiết kiệm được 75% điện năng hoặc cao hơn. Ngay cả khi máy tính đang được sử dụng làm máy chủ, người dùng cũng có thể tiết kiệm điện bằng cách tắt màn hình.
Các thiết bị khác cho làm việc tại nhà cũng tiêu hao điện không kém. Ví dụ máy in laser hay máy fax đa chức năng có thể tiêu thụ tới 300W khi in, 85W ở chế độ chờ và 10W khi chạy không tải. Vì vậy, để giảm chi phí sử dụng điện cho các thiết bị, người dùng nên cắm tất cả chúng vào một ổ cắm điện và ngắt nguồn điện ổ cắm này khi tắt máy tính, hoặc cũng có thể dành riêng ổ cắm cho các thiết bị ngoại vi để tắt chúng cùng lúc trong trường hợp vẫn sử dụng máy tính.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên sử dụng bộ lưu điện (UPS) cho máy tính của mình để đảm bảo an toàn. Hãy ngắn kết nối các bộ sạc dùng cho smartphone, máy nghe nhạc, máy ảnh kỹ thuật số,… khi không có nhu cầu sử dụng. Các ổ cắm có thể tiêu thụ lên đến 5W mỗi giờ, dù nhỏ nhưng lâu dài sẽ tác động vào giá tiền điện mỗi tháng.
Điều chỉnh và lựa chọn máy tính
Để thực hiện cài đặt quản lý năng lượng cho máy tính, người dùng nên khai thác tính năng Power Options của Windows để tắt màn hình và đưa máy tính về chế độ ngủ nếu không được sử dụng sau một thời gian nhất định.
Tùy hệ điều hành sử dụng mà cách khai thác khác nhau, ví dụ phổ biến nhất hiện nay là với Windows 10, nơi người dùng có thể vào ứng dụng Settings
Trong trường hợp đang có ý định lắp đặt hệ thống mới, người dùng nên chọn cấu hình hiện đại vì các công ty sản xuất phần cứng ngày càng cải tiến về công nghệ tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm của mình. Người dùng nên chọn RAM thế hệ mới nhất, ổ SSD và đặc biệt công nghệ sản xuất CPU tiên tiến nhất. Cũng không quên lựa chọn bộ nguồn phù hợp công suất, và những bộ nguồn đạt chứng nhận công suất thực cao, tối thiểu là White để đảm bảo hiệu suất luôn ở mức tốt (trên 80%), tránh những trường hợp tụt áp bất ngờ làm hư hỏng các linh kiện PC và tiêu hao tiền bạc. Những bộ nguồn này có giá cao hơn bộ nguồn thông thường nhưng bù lại có độ an toàn cao hơn.
Người dùng cũng cần mạnh dạn bỏ những màn hình CRT cũ mà thay vào đó sử dụng màn hình LCD khi nó tiêu hao công suất điện năng chỉ bằng khoảng 1/3 cho cùng kích thước màn hình. Trong trường hợp dư dả, màn hình OLED sẽ là lựa chọn tối ưu. Ngoài ra, sử dụng máy tính xách tay nếu cần thiết cũng giúp tiết kiệm điện vì máy tính xách tay chỉ sử dụng khoảng 1/4 công suất so với máy tính để bàn nhờ áp dụng các công nghệ di động tiên tiến.