Vừa qua, Bộ Công nghệ Ấn Độ đã công bố lệnh cấm với khoảng 60 ứng dụng di động có liên quan đến Trung Quốc, trong danh sách có hàng loạt cái tên nổi bật như Wechat của Tencent, UC Browser của Alibaba, TikTok của ByteDance,... Ấn Độ cũng yêu cầu Google và Apple gỡ toàn bộ những ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc ra khỏi kho ứng dụng Google Play và App Store để hạn chế lượng người dùng có thể tiếp cận tới chúng.
Kevin Mayer - CEO toàn cầu của TikTok cho biết, Chính phủ Trung Quốc chưa từng yêu cầu họ cung cấp dữ liệu của người dùng mà họ có được. "Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ yêu cầu chúng tôi cung cấp dữ liệu người dùng TikTok Ấn Độ. Trong tương lai, nếu TikTok có nhận được lời đề nghị như vậy thì chúng tôi cũng sẽ phản đối", ông Mayer tuyên bố.
CEO của TikTok cũng cho hay, TikTok đã tạo ra hơn 3.500 việc làm cho người dân Ấn Độ và tổng số tiền đầu tư cho thị trường này vào khoảng 1 tỉ USD. Đồng thời, ông Mayer tiết lộ, TikTok đang có kế hoạch đưa trung tâm dữ liệu của những người dùng ở Ấn Độ về đặt tại đúng quốc gia này, còn hiện tại trung tâm dữ liệu đang được đặt ở Singapore.
Không rõ việc thay đổi nơi đặt trung tâm dữ liệu có giúp TikTok "hồi sinh" tại Ấn Độ hay không, nhưng Ấn Độ vốn là thị phần có lượng người dùng cao nhất của TikTok thì rõ ràng mạng xã hội Trung Quốc buộc phải tìm cách giữ lại thị trường này. Trước đó, TikTok cũng từng bị cấm tại Ấn Độ rồi sau đó lệnh cấm được dở bỏ.
Suốt thời gian qua, không chỉ tại Ấn Độ, TikTok đã bị giới bảo mật và chính quyền khắp nơi tẩy chay. Tại Mỹ, Chính phủ Mỹ cấm toàn bộ các lực lượng quân đội sử dụng TikTok vì lo ngại lộ bí mật quân sự. Mới đây, vào ngày 1/7, nhóm hacker nổi tiếng Anonymous cũng lên tiếng cảnh báo "Hãy xóa TikTok ngay" vì ứng dụng lấy nhiều dữ liệu hơn cả Facebook, YouTube, Instagram,...