TikTok Shop - nơi "ôm mộng làm giàu" bị đóng cửa ở Indonesia
TikTok đã tạm dừng tính năng Shop (Cửa hàng) tại Indonesia, thị trường lớn thứ hai của ứng dụng. Quyết định thực hiện chỉ vài ngày sau khi chính phủ Indonesia đưa ra tối hậu thư cho các nền tảng truyền thông xã hội trong một tuần để ngừng các giao dịch trực tuyến hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Quyết định của chính phủ nhằm mục đích hạn chế doanh số bán hàng trực tiếp thông qua các ứng dụng như TikTok, Facebook và Instagram, những nền tảng được cho là đã gây tổn hại cho các doanh nghiệp truyền thống của đất nước.
"Hiện tại, thương mại điện tử không thể trở thành mạng xã hội. Cả hai phải có sự tách biệt", Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 27/9.
"Các nền tảng truyền thông xã hội chỉ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá hàng hóa và dịch vụ. Họ không nên cung cấp các giao dịch thanh toán trên nền tảng. Vì vậy không thể có bất kỳ hoạt động bán hàng trực tiếp nào trên mạng xã hội".
Chính phủ hy vọng động thái này sẽ đưa người mua hàng quay trở lại các cửa hàng truyền thống vốn đã suy yếu hoạt động kinh doanh do sự phổ biến ngày càng tăng của thương mại trên mạng xã hội.
Nhưng các chuyên gia và thương nhân địa phương nói với Rest of World rằng sự thay đổi chính sách trên diện rộng có thể gây hại cho hàng nghìn cơ sở kinh doanh nhỏ trong nước.
Ruby Devy, người điều hành một cửa hàng quần áo ở Tanah Abang, thị trường dệt may lớn nhất Đông Nam Á, cho biết 80% khách hàng của cô là những đại lý trực tuyến bán sản phẩm thông qua mua sắm trực tiếp trên TikTok Shop và Shopee Live.
"Tôi hỏi họ sẽ làm gì bây giờ. Một số người cho biết sẽ chuyển sang nền tảng thương mại điện tử", Devy nói. "Chính phủ nên cung cấp cho người bán một giải pháp khác. Bán hàng qua tin nhắn trực tiếp hay gì đó".
Theo Nailul Huda, nhà nghiên cứu chính sách công tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (INDEF), khoảng 64% doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Indonesia bán hàng trực tiếp thông qua mạng xã hội. Chỉ 25% người bán hàng nhỏ lẻ sử dụng website thương mại điện tử.
"Hãy để họ bán hàng qua tin nhắn trực tiếp. Chỉ cần cấm TikTok Shop hoặc các nền tảng tích hợp bên trong mạng xã hội đang hoạt động thương mại điện tử, thông qua hình thức tặng tiền thưởng hoặc hình thức khuyến mãi như hoàn tiền và giao hàng miễn phí", Huda nói với Rest of World .
TikTok hiện có hơn 6 triệu người bán và 7 triệu nhà sáng tạo liên kết ở Indonesia. Nhiều người trong số họ đã bày tỏ quan ngại về lệnh cấm mới nhất.
Koh Cun, nhà sáng tạo liên kết TikTok với 1,4 triệu người theo dõi, đăng video với nội dung bán hàng thông qua TikTok đã giúp anh chuyển từ một thành phố nhỏ, nơi có hoạt động kinh doanh truyền thống suy giảm, đến Jakarta. "Con tôi có thể được học tập tốt hơn nhờ TikTok Shop", anh nói trong video.
Giá quá rẻ, chất lượng hên xui
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Cube Asia, Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, có thị trường mua sắm trực tiếp lớn nhất Đông Nam Á.
Báo cáo lưu ý rằng vào năm 2022, mua sắm trực tiếp ở Indonesia đạt doanh thu tích lũy 5 tỷ USD, với ước tính 55% người dùng Internet trong nước thực hiện mua hàng trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, WhatsApp, Line và Zalo.
Người Indonesia chi trung bình 100 USD cho thương mại trên mạng xã hội mỗi năm.
TikTok có khoảng 125 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Indonesia. Theo công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works, trong vòng một năm kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2021, TikTok Shop đã đạt doanh thu trị giá 2,5 tỷ USD tại quốc gia này.
Doanh số phát trực tiếp của TikTok chiếm khoảng 5% tổng doanh số thương mại điện tử ở Indonesia.
Nhưng TikTok Shop không tuân thủ luật pháp Indonesia, theo chuyên gia Huda. Chẳng hạn, ứng dụng không được cấp phép để điều hành một doanh nghiệp thương mại điện tử.
Ngoài ra, hoạt động bán hàng được hỗ trợ thông qua TikTok bỏ qua một số luật thuế địa phương, đó là lý do tại sao người bán có thể đưa ra mức chiết khấu sâu và thu hút nhiều người mua hơn.
"Trong thương mại trên mạng xã hội, không có thuế giá trị gia tăng, người bán không cần phải có giấy phép kinh doanh và không có chứng nhận hoặc điều khoản và điều kiện nhất định để bán hàng. Điều này cho phép người bán đặt giá sản phẩm rất rẻ", Huda nói.
"Không giống như người bán hàng truyền thống hoặc người bán hàng trên sàn thương mại điện tử, vốn cần nhiều giấy phép và chứng nhận hơn".
Chủ một cửa hàng thời trang ở chợ Tanah Abang cho biết doanh số bán hàng của cô đã giảm trong năm nay vì "người ta bán sản phẩm rất rẻ trên TikTok Shop".
Người phụ nữ này đã chuyển sang thử bán hàng trên TikTok nhưng người mua có xu hướng đổ xô đến những shop có mức giá rẻ hơn.
"Họ sử dụng các loại vải khác nhau và chất lượng hàng hóa cũng khác nhau. Nhưng tôi nghĩ mọi người không quan tâm đến chất lượng. Họ chỉ quan tâm đến giá cả", cô nói.
Ví dụ: Một cặp kính râm trên TikTok Shop có thể có giá dưới 1 USD, trong khi chúng có giá hơn 10 USD trên các nền tảng thương mại điện tử.