Tìm thấy tàn tích các hành tinh quanh những ngôi sao 10 tỷ năm tuổi

Các nhà thiên văn đã tìm thấy tàn tích của các hành tinh nằm xung quanh những ngôi sao đã 10 tỷ năm tuổi.

Theo BGR, nằm xa xăm trong Dải Ngân Hà có hai ngôi sao nhỏ đang đi đến giai đoạn cuối cùng của vòng đời. Với tuổi đời hơn 10 tỷ năm tuổi, sao lùn trắng WDJ2147-4035 và WDJ1922+0233 là một trong những ngôi sao lâu đời nhất trong thiên hà của chúng ta, và gần đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một thứ đặc biệt quay quanh chúng: đó là tàn tích của các hành tinh, khiến đây trở thành một trong những hệ hành tinh đá lâu đời nhất mà giới nghiên cứu đã tìm ra.

Các nhà thiên văn học đã sử dụng dữ liệu từ GAIA, Dark Energy Survey và thiết bị X-Shooter tại Đài quan sát Nam Âu (European Southern Observatory) để xem xét hệ thống hành tinh này. Họ đã xác định được các mảnh vỡ từ các hành tinh quay quanh, là những mảnh bụi và đá được tạo ra trong quá trình hình thành hành tinh.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng quang phổ học để xem xét ánh sáng đến từ hai ngôi sao lùn trắng và chia nó thành các bước sóng khác nhau, có thể cho biết các ngôi sao và vật chất xung quanh được làm bằng vật liệu gì.

Một trong hai ngôi sao có màu sắc rất đỏ, cho thấy sự hiện diện của natri, liti, kali và có lẽ là carbon. Ngôi sao còn lại có màu xanh lam, nguyên nhân là do khí heli và hydro của nó tạo ra. Các mảnh vụn xung quanh những ngôi sao này có chứa các nguyên tố kim loại, cho thấy nó đến từ các thiên thể hành tinh.

Nghiên cứu các hệ hành tinh cổ đại như hệ thống hành tinh này có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu được thiên hà đã phát triển như thế nào, khi các nguyên tố kim loại trở nên phong phú hơn theo thời gian khi chúng được tạo ra bởi vòng đời của các ngôi sao.