Tỉnh táo giữa ''ma trận'' hàng giả trên mạng

Nhiều đối tượng đã lợi dụng bán hàng trên mạng để ngang nhiên kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vì vậy người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua sắm trên mạng.

Tràn lan hàng giả trên thương mại điện tử

Những mặt hàng chính hãng thông thường có giá bán từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, giờ đây có thể dễ dàng tìm kiếm trên các sàn và trang web bán hàng chỉ với giá vài trăm nghìn đồng. Với tỷ lệ ước tính hơn một nửa dân số Việt Nam đang mua sắm trực tuyến đây là một rủi ro gây bức xúc với người tiêu dùng.

Với quy mô thị trường thương mại điện tử năm ngoái đã ước đạt 16,4 tỷ USD, tức ghi nhận mức trưởng 20%/năm, các cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải giữ được sự tỉnh táo, cẩn thận với đồ rẻ, đồ không rõ nguồn gốc xuất xứ khi mua sắm trên mạng.

Khi thương mại điện tử ngày càng phát triển, cùng với những mặt tích cực thì vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Trong 3 năm qua, Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương đã xử lý hơn 3.000 vụ, xử phạt hành chính mỗi năm 20 tỷ đồng nhưng đây vẫn là con số quá ít so với thực tế.

Tỉnh táo giữa ma trận hàng giả trên mạng - Ảnh 1.

"Đối với các hành vi gian lận thương mại trên môi trường điện tử diễn ra rất tinh vi và khó kiểm soát. Các tổ chức cá nhân kinh doanh trên mạng thường không có địa điểm cụ thể, không có kho hàng để kiểm tra. Thanh toán cũng qua một tổ chức trung gian. Người mua và người bán hoàn toàn không gặp nhau, gây khó cho cơ quan điều tra", bà Vũ Thị Minh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nhận định.

Theo số liệu của Công ty Bưu chính thương mại điện tử Ninja Van, Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số đơn hàng trực tuyến, với trung bình một người mua đến 104 đơn hàng mỗi năm.

Tỉnh táo khi mua sắm trên mạng

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Bộ Công Thương, trong năm 2022 số lượng người Việt tham gia mua hàng trực tuyến lên đến hơn 57 triệu người, tăng 13,5% so với năm trước.

Khi thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển, hơn lúc nào hết những người tiêu dùng cần phải tự trang bị kiến thức vững vàng để bảo vệ mình. Vậy làm thế nào để phân biệt và tránh mua phải hàng giả?

Hiện nay, có rất nhiều trang thương mại điện tử uy tín được Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động, và có chứng nhận "đã đăng ký Bộ Công Thương" ở phần dưới cùng. Điều này đảm bảo bạn sẽ không chọn phải những trang web do đối tượng bán hàng giả lập ra để bán hàng giả.

Tiếp theo, kiểm tra đánh giá, chia sẻ về sản phẩm muốn mua. Chọn phần review ở dưới sản phẩm, chịu khó đọc comment đánh giá và ảnh chụp thực tế, bạn sẽ có thêm cơ sở để thu thập thông tin cho mình.

So sánh giá của sản phẩm trên trang gốc cũng là một cách hay. Tất nhiên, một đôi giày 3 triệu đồng dù có săn sale giỏi đến đâu, bạn cũng gần như không thể mua được với giá 300.000 đồng.

Những sản phẩm chính hãng thường sẽ có tem chống hàng giả kèm mã QR Code. Khi nhận sản phẩm từ shipper, bạn chỉ cần vài thao tác đơn giản sẽ biết ngay đây có phải sản phẩm chính hãng hay không.

Tỉnh táo giữa ma trận hàng giả trên mạng - Ảnh 2.

Những sản phẩm chính hãng thường sẽ có tem chống hàng giả kèm mã QR Code

Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, người mua hàng luôn phải đề cao tính cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến. Đặc biệt là khi thấy một sản phẩm rẻ hơn quá nhiều so với giá trị thực.

Trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý thị trường thương mại điện tử bằng những cách như hướng dẫn, phổ biến về luật pháp cho các sàn, đào tạo, tập huấn cán bộ để nâng cao trình độ, tuyên truyền cho người dân về quyền lợi và trách nhiệm khi mua bán trực tuyến.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg về phê duyệt đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Việc quyết liệt phòng chống vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thương mại điện tử chính là bước đệm để tạo ra một môi trường mua sắm số an toàn, lành mạnh, đóng góp chung cho sự phát triển của kinh tế số Việt Nam.