“Ngựa quen đường cũ”
Mới đây, Thơ Nguyễn tiếp tục khiến dư luận “dậy sóng” khi đăng tải trên kênh YouTube của mình đoạn video có tựa đề Trò chơi đèn xanh đèn đỏ dưới hồ bơi. Đáng nói, trò chơi này được lấy cảm hứng từ bộ phim Hàn - Squid Game đang nổi đình đám trên mạng xã hội.
Trong bản gốc, người chơi chỉ được di chuyển khi quản trò quay mặt đi và hát. Nếu bị quản trò phát hiện nhất cử nhất động, người chơi sẽ thua cuộc và bị xử bắn tại chỗ. Với một trò chơi có xu hướng bạo lực như thế, hiển nhiên bộ phim đã được “dán nhãn” cho người trên 18 tuổi.
Dù mô phỏng lại, nhưng trò chơi của Thơ Nguyễn cũng chẳng kém cạnh gì so với bản gốc, có chăng chỉ thay đổi tên gọi thành Trò chơi con mập và thực hiện bối cảnh ở dưới nước. Ngoài ra, tham gia cùng cô còn có hai em nhỏ.
Điều đáng nói ở đây chính là hiệu ứng âm thanh. Tần suất lặp lại liên tục của tiếng súng đùng đoàng trong video khiến cho người nghe vô cùng khó chịu. Dù Thơ Nguyễn sử dụng âm thanh giả làm hiệu ứng, tuy vậy cộng đồng mạng vẫn phải "điểm mặt chỉ tên" cô và cảnh tỉnh nội dung trong video đang cổ xúy hành vi bạo lực.
YouTuber này sau đó đã bị nhiều người chỉ trích rằng, nội dung mà cô sáng tạo ra không phù hợp với trẻ em. Không ít ý kiến lo ngại, các em nhỏ có thể tò mò tìm hiểu trò chơi thật và bắt chước Thơ Nguyễn tổ chức trò chơi tương tự có yếu tố bạo lực.
Bên cạnh đó, video còn gây tranh cãi khi cậu bé trong trò chơi đã cố tình ăn gian, nhưng vẫn giành được chiến thắng. Cậu bé sau đó liền hả hê và giở giọng cười khoái chí với 2 người còn lại. Ngoài ra, Thơ Nguyễn còn bị chỉ trích khi buông lời body shaming một bé trai chơi cùng. Theo đó, khi bị trêu ngoại hình, cậu bé này nói: "Con mập kệ con, mập cũng có lợi chứ", thì nữ YouTuber này tiếp lời: "Hôm sau đừng chơi nữa, đúng là trò chơi này là trò con mập, ai mập thì thắng".
Đáng quan ngại, ngay sau khi lên sóng được vài tiếng đồng hồ, đoạn video của Thơ Nguyễn đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Hiện, đoạn video trò chơi này vẫn gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội.
Trao đổi với PV ĐS&PL về vấn đề trên, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh - Giảng viên khoa Tâm lý, Học viện Hành chính Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Tôi nhớ rằng, cách đây không lâu cô Thơ Nguyễn đã bị cơ quan chức năng xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi cổ xúy mê tín dị đoan, vậy mà giờ đây lại “ngựa quen đường cũ”. Dường như, lần xử phạt trước còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe để buộc cô ấy phải thay đổi nhận thức, hành vi của mình. Chưa kể, mức phạt 7,5 triệu đồng cũng không thấm tháp gì so với tổng thu nhập mà cô ấy kiếm về được từ kênh YouTube của mình.
Thiết nghĩ, việc xử phạt cuối cùng nhằm mục đích gì? Quan trọng là phải thay đổi được nhận thức, hành vi của người vi phạm theo chiều hướng tích cực, chứ không phải phạt lấy lệ rồi họ vẫn tái phạm. Tôi cho rằng, nếu không khiến họ không thay đổi hành vi, nhận thức, thì việc xử phạt ấy đâu có ý nghĩa.
Nên chăng, phải có những cam kết khác phía sau số tiền phạt đó. Ví dụ, nếu cô tái phạm thì không những bị phạt số tiền nhiều hơn, mà còn chịu biện pháp xử phạt mạnh tay hơn,... thì may ra mới có khả năng hỗ trợ người vi phạm thay đổi hành vi, nhận thức”.
Theo bà Minh, việc Thơ Nguyễn thường xuyên thực hiện những video có nội dung tiêu cực xuất phát từ chính thói quen của cô này. “Có vẻ như xu hướng tiếp cận của cô Thơ Nguyễn là những nội dung gây sốc theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí độc hại. Khi đã trở thành thói quen thì rất khó bỏ. Muốn thay đổi được, có khi phải can thiệp tâm lý”, vị chuyên gia này nói.
YouTuber Thơ Nguyễn từng bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi cổ xúy mê tín dị đoan. “Đừng cấm, hãy định hướng con trẻ chuyển kênh”
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh nhìn nhận, việc những bộ phim, clip, hình ảnh có nội dung độc hại dù bị dư luận lên án, chỉ trích và không ít trường hợp đã bị xử phạt, nhưng nó vẫn tồn tại vì... vẫn “có cung ắt có cầu”. Thế nên, bên cạnh yếu tố chủ quan đến từ thói quen và nhận thức chưa chịu thay đổi của Youtuber Thơ Nguyễn, thì người sử dụng mạng cũng tác động không nhỏ tới việc tồn tại của những dạng video độc hại này.
“Nếu như tất cả mọi người không có nhu cầu, mong muốn xem những nội dung đó, thì chắc chắn những dạng video của cô Thơ Nguyễn sẽ không có ai xem.
Bản thân người sử dụng mạng xã hội càng phải tỉnh táo, có đủ nhận thức quan điểm, để tránh “rơi vào bẫy” thông tin xấu. Khi thấy những nội dung độc hại, tự mỗi người phải có sự ngăn chặn cho chính mình, có đủ nhận thức phân biệt được đúng – sai, tốt – xấu, thiện – ác để thoát ra”.
“Nếu trẻ em chưa đủ nhận thức, thì phụ huynh cùng với nhà trường phải huấn luyện, định hướng thông qua quá trình giáo dục, phân tích cho các con. Người lớn nên hướng dẫn con trẻ không nên kích chuột, thậm chí phải chặn - xóa những video, hình ảnh, nội dung độc hại.
Bên cạnh đó, thay vì cấm các con không được xem, thì người lớn hãy hướng dẫn con chuyển kênh, định hướng cho con vào những chương trình có nội dung tích cực, lành mạnh. Bởi, càng cấm càng dễ khiến các em tò mò. Nếu làm được như vậy, thì chắc chắn kênh YouTube như của Thơ Nguyễn sẽ không có “đất dụng võ” nữa, phải tự chìm xuồng”.
Bà Minh cho rằng, nếu thường xuyên theo dõi những nội dung độc hại như bạo lực, đồi trụy, mê tín dị đoan,... thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý và lệch lạc về nhân cách của trẻ em trong tương lai.
“Các em sẽ theo cơ chế bắt chước, ví dụ xem phim bạo lực nhiều, nên dễ có xu hướng bạo lực trong tính cách hoặc đồng hóa mình với nhân vật. Từ một đứa trẻ ngoan hiền, nếu thường xuyên theo dõi những video bạo lực dễ dẫn đến hành vi gây hấn bằng lời nói, hành động. Những ức chế sẽ được thể hiện thông qua những phản ứng tiêu cực trong cuộc sống. Thậm chí, bị ám ảnh tâm lý, sợ hãi, suy kiệt sức khỏe.
Chưa kể, nhiều em đòi làm YouTuber vì nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền, dễ nổi tiếng, nhưng các em không hiểu được làm đúng và làm tốt là như thế nào”, vị chuyên gia này cho biết thêm.
Trước đó, Thơ Nguyễn đã từng bị cộng đồng mạng chỉ trích vì thực hiện video búp bê Kumathong "xin vía học giỏi". Ngày 16/3, Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương phạt chủ kênh YouTube Thơ Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ) số tiền 7,5 triệu đồng với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin, cổ xúy mê tín dị đoan. Sự việc này khiến Thơ Nguyễn tạm ngưng sản xuất video một thời gian. Thậm chí, cô từng khẳng định mình không tiếp tục làm YouTube nữa. Tuy nhiên sau đó không lâu, Thơ Nguyễn đã mở lại kênh. |
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật Số Chủ Nhật (34)