OpenAI ra mắt công chúng ChatGPT vào tháng 11/2022, và chỉ trong vòng vài ngày, trang web đã có hơn 1 triệu người dùng. Mặc dù các phương tiện truyền thông đã chú ý sớm, nhưng phải đến tháng 1 - 2/2023, các tin tức trực tuyến về ChatGPT mới thực sự bắt đầu tăng lên. Đó là khoảng thời gian BuzzFeed tuyên bố sẽ sử dụng ChatGPT để tạo nội dung, Microsoft đã tích hợp một chatbot hỗ trợ ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của mình và Google đã công bố đối thủ của mình với ChatGPT - Bard.
Các hãng thông tấn lớn thế giới bắt đầu nhập cuộc đưa thông tin này kết hợp cùng những khả năng của AI. Tờ New York Times với tiêu đề “Bing’s A.I. Chat: ‘I Want to Be Alive.”; CNN với “'Godfather of AI' says AI could kill humans and there might be no way to stop it.” Guardian với “What is AI chatbot phenomenon ChatGPT and could it replace humans?” Tuy nhiên, các tiêu đề này có thể đã bị cường điệu hóa, theo nhà ngôn ngữ học và phê bình Noam Chomsky trong bài viết trên New York Times.
Theo trung tâm báo chí kỹ thuật số “The Tow Center” tại đại học Columbia (Mỹ), báo chí có thể đã đưa tin một cách cường điều hóa về ChatGPT. Báo chí thường cường điệu hóa các tin tức về công nghệ mới, Felix Simon - nghiên cứu sinh tại viện internet Oxford và thành viên của Tow Center nhận xét.
Thông cáo báo chí ban đầu của ChatGPT hứa hẹn một chatbot "tương tác theo cách trò chuyện". Tiếp theo, các phương tiện truyền thông phân nhánh thành hai thái cực: "Có người nói rằng đó là ngày tận thế gần kề đối với một ngành công nghiệp nào đó” hoặc theo cách khác là "công nghệ sẽ hứa hẹn tạo ra tương lai không tưởng”.
Cuối cùng, sau một khoảng thời gian thông tin được đa dạng hóa, đề tài báo chí thường là tránh xa những điều chưa xảy ra ở tương lai, để quay trở lại tác động của công nghệ mới trong thế giới thực. Nhưng các thông tin về AI chatbots như ChatGPT vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới, theo báo cáo của The Tow Center.
Tương tự như ChatGPT, cách báo chí đưa tin về Bitcoin vào năm 2009 và tiền mã hóa vào năm 2021 cũng có sự tương đồng, theo dữ liệu từ Media Cloud. Tuy nhiên, số lượng tin về ChatGPT lại vượt xa công nghệ VR và deep fake. Jenna Burrell - Giám đốc nghiên cứu tại tổ chức Data & Society giải thích, một phần là do công cụ mới này có ý nghĩa trực tiếp đến báo chí. Lý do khác là ChatGPT và các công cụ AI khác có thể đảo lộn thế giới sáng tạo.
Tuy nhiên, mối lo ngại của Burrell chính là cách báo chí cường điệu hóa về ChatGPT và AI. Có một xu hướng nhân hóa đối với việc "quy kết, suy nghĩ, biết, viết và đổi mới cho công cụ không phải con người này", ví dụ như câu chuyện của New York Times tuyên bố chatbot của Bing muốn "sống". Điều này vẽ ra viễn cảnh về công nghệ mới sẽ có thể thay thế con người trong tương lai. Nhưng các bài viết quan trọng về vấn đề đạo đức, cách sử dụng AI và công việc tương lai lại ít được khai thác.
Nick Diakopoulos - Phó giáo sư ngành truyền thông và khoa học máy tính tại đại học Northwestern đề xuất việc đưa tin về các công cụ AI như ChatGPT cần tỉnh táo hơn để vượt qua “sương mù” của khoa học viễn tưởng. ChatGPT liên kết hệ thống dữ liệu lớn, có kỹ năng đoán từ tiếp theo trong một chuỗi câu nhưng không "suy nghĩ" theo cách con người làm. Vì vậy, nó thực sự chỉ thống kê từ ngữ, nhìn vào các từ đã được viết trong văn bản, và sau đó thêm một từ tiếp theo. Theo ông, báo chí nên khai thác cách những gì công nghệ mới này có thể và không thể làm được.
Simon thuộc Viện Internet Oxford đề xuất thêm các hướng khác như: Sự phụ thuộc của các tòa soạn vào các công ty công nghệ lớn để sản xuất tin tức trong tương lai, hay các quyết định quản trị của các công ty này; các câu hỏi về đạo đức và sự thiên vị liên quan đến mô hình và đào tạo, tác động của AI,... "Chúng tôi muốn công chúng cùng suy nghĩ về những điều này", Simon nói.
Cuối cùng, các tòa soạn nên đặt ra các quy tắc cơ bản để không có những tít báo nhân hóa chatbot. Điều này có thể giúp hạ nhiệt chu kỳ đưa tin cường điệu về công nghệ AI, Martineau, phóng viên công nghệ của The Information đề xuất.