Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 12h15 ngày 18/3, dịch Covid-19 đã lây nhiễm 68 người tại Việt Nam, trong đó có nhiều bệnh nhân nhập cảnh vào Việt Nam từ các vùng dịch. Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, đã xuất hiện tại nhiều quận của TP.HCM như quận 3, quận 7, quận 8, quận 10, quận Gò Vấp, việc kinh doanh của các cửa hàng trên địa bàn gặp không ít khó khăn.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp đã phải tính đến những phương án thích nghi với hoàn cảnh hiện tại. Chẳng hạn, một cửa hàng kinh doanh điện thoại di động sẽ đẩy mạnh sang bán online, trong khi các quán ăn tận dụng app giao hàng hoặc cho khách hàng đặt qua điện thoại.
Là ông chủ một chuỗi cửa hàng thiết bị di động nổi tiếng ở TP.HCM, ông Huỳnh Phú Hải - Giám đốc 24hStore không phủ nhận doanh số không như kỳ vọng trong những ngày đầu dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống của ông Hải đã kịp chuyển mình theo thời cuộc bằng nhiều giải pháp.
"Việc đầu tiên tôi nghĩ tới là phải tối ưu các chi phí, như giảm sử dụng điện, nước, giảm các hợp đồng thuê dịch vụ bên ngoài. Tôi tận dụng mọi ưu đãi có thể của nhà cung cấp, nhanh chóng chuyển sang dùng các giải pháp thay thế rẻ hơn. Đồng thời, chúng tôi nghiên cứu và tìm kiếm sản phẩm mới phù hợp với thời kỳ dịch bệnh, giúp tăng doanh số bù qua phần doanh số đã mất do một số mặt hàng không còn phù hợp thời dịch nữa", ông Hải chia sẻ.
Bán và mua hàng online là giải pháp đang được ưu tiên trong mùa dịch. (Ảnh minh họa)
Tại hệ thống của mình, ông Hải giảm bớt các hoạt động offline, đẩy các sản phẩm lên kênh online, các trang thương mại điện tử để giao tận nhà khách hàng. Ông cho biết, trước đây hệ thống đã có các giải pháp bán hàng online nhưng chưa bao giờ công ty của ông đẩy mạnh như lúc này.
"Điều quan trọng nữa là chúng tôi ngưng tuyển mới, luân chuyển nhân sự từ các bộ phận bị thu hẹp sang các bộ phận cần đẩy mạnh như bán hàng online cho nhân viên hiện tại. Chúng tôi biến tất cả nhân viên thành nhân viên kinh doanh online, không một ai phải nghỉ việc giữa lúc khó khăn này", ông Hải nói và cho biết nhờ vậy công ty vẫn đang hoạt động tốt dù thuê mặt bằng ngay đường Ba Tháng Hai (quận 10), Trần Quang Khải (quận 1),...
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Đại - Tổng Giám đốc Viện Máy tính Việt Nam lại có một góc nhìn khác. Theo ông, dù dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều nhóm ngành nhưng với ngành công nghệ thông tin lại là thời cơ, đặc biệt với các dịch vụ chuyên về sửa chữa.
"Đối mặt với đợt dịch bệnh này, chúng tôi phải nắm bắt tâm lý của các nhân viên và cả khách hàng để nhân viên yên tâm làm việc, còn khách hàng tự tin sử dụng dịch vụ của mình. Mặc dù phải tối ưu các chi phí hoạt động nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng tuyển thêm người mới để tạo sức cạnh tranh trong công ty, tránh tình trạng nhân viên cũ ỷ y, ù lì. Đồng thời, chúng tôi giảm giá dịch vụ và đẩy mạnh marketing online", ông Đại chia sẻ và tiết lộ chi phí đầu tư cho SEO lên tới hàng trăm triệu/tháng.
Theo ông Đại, đặc thù là dịch vụ sửa chữa nên công ty luôn có lượng khách lớn dù là ngày thường hay mùa dịch. Song để tạo tâm lý an tâm hơn nữa cho khách hàng, công ty đang triển khai mạnh dịch vụ sửa chữa tại nhà chỉ với một "cú" điện thoại bất kể ngày đêm (trừ khách hàng ở các khu cách ly do dịch Covid-19). Riêng với đối tượng học sinh, sinh viên đang nghỉ học do ảnh hưởng của dịch, công ty miễn phí một số dịch vụ để qua đó tiếp cận thêm một lượng khách hàng "khổng lồ" đồng thời cũng là một cách làm quảng cáo hiệu quả.
Giao hàng tận nơi là giải pháp giúp các quán ăn "vượt bão" Covid-19.
Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ, các quán ăn trước nay vốn chưa đẩy mạnh công nghệ thì nay cũng phải tìm đủ đường để tìm kiếm và phục vụ khách hàng. Anh Trần Đình Huy - Quản lý quán dê tươi trong Khu đô thị Phố Đông (quận 2, TP.HCM) cho biết: "Quán của chúng tôi vừa mở được vài tháng thì dịch Covid-19 xuất hiện gây không ít khó khăn. Tuy nhiên đặc thù là quán ăn trong khu dân cư gần 1.000 nhân khẩu nên vẫn có lượng khách đều".
Đối mặt với dịch Covid-19, nhiều hàng quán gần khu vực này phải đóng cửa, nhận thấy đây là cơ hội nên anh Huy đã đề xuất với chủ đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ. Trước hết, quán đầu tư một khoản lớn hơn để chạy quảng cáo trên Facebook trong vòng bán kính 10km, ưu tiên phát triển fanpage và nhận các đơn đặt hàng qua tin nhắn Facebook, gọi điện thoại mua từ xa. Nhờ vậy, dù lượng khách đến quán hiện nay không quá đông nhưng doanh số bán hàng của nửa đầu tháng 3 đã gần gấp đôi nguyên tháng 2/2020.
"Do lo ngại bị lây nhiễm trong mùa dịch nên nhiều người trong khu dân cư chọn quán dê này để ăn uống, khỏi phải đi xa - đây là một tín hiệu tích cực. Kết hợp với đẩy mạnh quảng cáo qua mạng và giao hàng tận nơi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quán hoạt động tốt ngoài mong đợi, trái ngược với những lo ngại đầu mùa dịch", anh Huy nói và cho biết quán đang có nhiều chương trình giảm giá.
Qua đó mới thấy, trong cái khó ló cái khôn, công nghệ là công cụ đắc lực để các nhà kinh doanh vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.