Một nghiên cứu mới từ Mỹ đã phân tích bộ dữ liệu mà robot InSight của NASA để lại và phát hiện thứ khó tin ở Sao Hỏa: Lượng nước đủ lấp đầy một đại dương toàn cầu.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, khối nước này vẫn tồn tại ở trạng thái lỏng bên dưới bề mặt hành tinh.
TS Vashan Wright từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California ở San Diego (Mỹ), đồng tác giả, cho biết lượng nước này nằm cách bề mặt Sao Hỏa chỉ 11,5-20 km.
Vì vậy, nó tạo ra bên dưới bề mặt hành tinh một thế giới ẩm ướt, có khả năng cung cấp các điều kiện thuận lợi để duy trì sự sống của vi khuẩn, trong quá khứ hoặc hiện tại.
“Trên Trái Đất, chúng ta tìm thấy sự sống của vi khuẩn sâu dưới lòng đất, nơi đá bão hòa nước và có nguồn năng lượng” - đồng tác giả Michael Manga từ Trường Đại học California ở Berkeley (Mỹ) giải thích.
Lượng nước ngầm này được phát hiện từ dữ liệu địa chấn mà InSight thu thập được. Sóng địa chấn sẽ có sự thay đổi tùy vào thành phần của đá, các vết nứt hay các vật liệu khác nằm xen với đá.
Đó không phải là túi nước ngầm lớn giống như những gì chúng ta hay thấy ở Trái Đất, mà chảy xen lẫn trong các loại đá magma nứt nẻ, hình thành trong quá trình nguội đi và đông đặc của số đá này trong lớp vỏ hành tinh.
Nếu đem toàn bộ lượng nước này đổ lên bề mặt Sao Hỏa, nó đủ tạo thành một siêu đại dương toàn cầu với độ sâu từ 1-2 km.
Tuy lạ lùng, nhưng tìm thấy nước ở Sao Hỏa không phải là điều vô lý.
Theo các lý thuyết được NASA ủng hộ từ lâu, trái với một hành tinh đỏ lạnh lẽo, khô cằn ngày nay, Sao Hỏa sơ khai - 3 tỉ năm về trước hoặc lâu hơn - từng là một thế giới ấm áp và ẩm ướt với sông, hồ, biển như Trái Đất.
Nước của Sao Hỏa đã đi đâu, đó vẫn là bí ẩn. Có một số bằng chứng cho thấy sự biến động của môi trường, khí quyển đã khiến nước bị thất thoát ra ngoài vũ trụ.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới này gợi ý một phần nước cổ đại đó thực tế đã thấm sâu xuống bên dưới bề mặt hành tinh, giữ lại một thế giới vẫn còn phù hợp với sự sống.
Theo Reuters, phát hiện này đem đến một tin vui lớn bởi NASA và nhiều cơ quan vũ trụ khác đã tham vọng xây dựng một căn cứ trên Sao Hỏa.
Vì vậy, bên cạnh việc đem lại hy vọng về sự sống ngoài hành tinh, nguồn nước tại chỗ khi đó trở thành một tài nguyên quý hơn vàng phục vụ sự "xâm lăng" của con người.
InSight là một tàu đổ bộ dạng robot với niệm vụ chính là thu thập dữ liệu địa chấn trên Sao Hỏa.
Khác với các robot dạng xe tự hành như Curiosity hay Perseverance có thể tự do di chuyển và chạy bằng năng lượng hạt nhân, InSight đứng cố định một chỗ và chạy bằng năng lượng Mặt Trời.
Vì vậy, mặc dù các thiết bị không hề hư hỏng nhưng các cơn bão bụi khắc nghiệt nơi Sao Hỏa đã tấn công InSight và phủ nó dưới lớp bụi dày, che lấp các tấm pin. NASA buộc phải tuyên bố kết thúc sứ mệnh của chiến binh này vào tháng 12-2022, sau 4 năm hoạt động.