Hình ảnh 'thời hoàng kim' của truyền hình analog.
Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã ban hành văn bản về việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (hay còn gọi là truyền hình analog) đối với các trạm phát lại tại một loạt các tỉnh thành. Theo đó, từ 24h ngày 30/6/2020, các trạm phát lại tại 9 tỉnh Nhóm II và 12 tỉnh Nhóm III sẽ ngừng phát sóng truyền hình analog.
Các tỉnh thành này bao gồm Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận.
Trước đó, từ ngày 16/8/2016, truyền hình analog đã ngừng phát sóng ở Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Cần Thơ, để chuyển hẳn sang truyền hình kỹ thuật số. Người dân tại 19 tỉnh lân cận cũng không thể tiếp sóng.
Việc ngừng phát sóng tại các tỉnh nêu trên nằm trong lộ trình số hóa truyền hình mặt đất. Dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố việc tắt sóng truyền hình số mặt đất trên cả nước vào ngày 31/12/2020.
Như vậy, Việt Nam là 1 trong số 75 nước trên thế giới sẽ tắt sóng truyền hình mặt đất và là một trong 4 nước trong khu vực ASEAN tắt sóng truyền hình mặt đất trong năm 2020.
Truyền hình analog hay còn được biết đến với tên gọi truyền hình tương tự mặt đất là kĩ thuật thu phát sóng truyền hình có từ lâu đời, sử dụng tín hiệu tương tự để truyền tải video và âm thanh.
Ưu điểm của truyền hình tương tự mặt đất là dễ triển khai, chi phí thấp, tuy nhiên công nghệ truyền hành này dễ bị nhiễu sóng trong điều kiện thời tiết xấu, chất lượng hình ảnh, âm thanh không cao, số lượng kênh hạn chế.
Ở thời điểm bấy giờ, người dân có thể dùng anten trời để thu được hàng chục chương trình thông qua các đài truyền hình địa phương và đài truyền hình khu vực và quốc gia. Bắt đầu từ những năm 2000, truyền hình kỹ thuật số bắt đầu nở rộ và dần thay thế truyền hình analog bởi những ưu điểm dễ thấy như hình ảnh và âm thanh có chất lượng vượt trội, số lượng kênh nhiều hơn.
Tuệ Lâm