Đằng sau sự ra mắt đầy thành công của Ryzen 3000 series với bo mạch chủ chipset X570. Nay đến lượt dòng CPU "siêu to khổng lồ" Threadripper cũng tiếp tục đẻ trứng với những thế hệ kế tiếp của mình. Chipset mới có cái tên tương đối xa lạ TRX40 nằm trong bộ ba chipset vừa được ra mắt cách đây khôn lâu. 2 cái tên còn lại là TRX80 và WRX80 nhắm đến những phân khúc còn cao hơn nữa. Cả 3 chipset thế hệ mới này đã đưa AMD vượt ra khỏi cái kiểu đặt tên từa tựa như Intel cho dễ cạnh tranh nữa mà đã đứng 1 mình 1 ngai vàng.
Quả thực nếu không nhờ cái vỏ hộp thì tôi cũng nghĩ rằng đây là phiên bản X399 mới nào đó của Aorus
Nếu như game thủ nào thường xuyên theo dõi những phiên bản bo mạch chủ Hi-end Desktop (HEDT) gần đây thì chắc chắn chẳng hề lạ lẫm gì với ngoại hình to khủng khiếp cùng rất nhiều giáp trụ xung quanh của những chiếc bo mạch chủ X399. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trên TRX40 Aorus Master và cũng có thể sẽ nhằm trên một vài bo mạch chủ gaming cao cấp khác sử dụng chipset này, đó là việc tản nhiệt chipset được trang bị thêm quạt. Vâng, điều đó giống y như những gì xảy ra trên X570 thời gian vừa qua.
Việc "đọ cơ bắp" trên những chiếc bo mạch chủ thường chỉ tập trung vào hệ thống cấp nguồn cho CPU. Và TRX40 thực sự to và nạc đúng nghĩa!
Dàn phase nguồn cấp điện 16+3 cho CPU trên TRX40 Aorus Master tiếp tục là những hàng tụ và cuộn cảm trải dài mien man dọc theo phần cạnh trên và cạnh trái của bo mạch chủ khiến cho phần Cover hoành tráng thường thấy ở khu vực các cổng I/O thì nay phải khép mình lại có khi chỉ bằng 1 nửa so với trước đây. Để tản nhiệt cho dàn phase này thì như truyền thống của Aorus, họ sẽ kết hợp hệ thống lá tản nhôm và ống đồng thay cho các phiến tản dày. Chúng tôi luôn đánh giá cao về hệ thống phase nguồn của Aorus tuy nhiên họ nên che đậy các phiến tản lại nếu không muốn fan của mình thường xuyên bị đứt tay mỗi khi lảng vảng cài đặt thiết bị gì xung quanh đó.
Tốn quá nhiều không gian cho dàn phase nguồn. Hầu hết cổng cắm được chuyển qua khu vực này.
Một số vị trí cổng cắm đã bị xáo trộn để phù hợp hơn với thiết kế của bo mạch chủ siêu khủng này. 2 cổng cấp 8 pin cho CPU được di chuyển ra cạnh phải. Một số vỏ case sẽ không tương thích với thiết kế này, tuy nhiên một khi bạn đã mua được đến tầm cỡ này thì việc mod lại vỏ chắc sẽ vô cùng dễ dàng thôi.
TRX40 vẫn là 8 khe DDR4 hỗ trợ 4 kênh, kém hơn TRX80 và WRX80 hỗ trợ lên đến 8 kênh. Cái này thì game thủ chúng ta chỉ cần biết là nó đem lại băng thông RAM lớn hơn mà thôi. Còn khả năng hỗ trợ dung lượng RAM lớn hơn so với dòng X570 thì chắc chắn là để game thủ có thể vừa chạy đồng thời vài ứng dụng cùng lúc rồi. Chẳng hạn như cày game 10 – 20 – 30 acc chẳng hạn…
TRX40 hỗ trợ lên đến 4 khe PCIe x16 và chỉ được bổ sung thêm 1 khe PCIe x1 là hết đất. Phần không gian còn lại là dành cho 2 khe M.2 hỗ trợ 2 form dài ngắn khác nhau. Nhìn chung, với hệ thống đa card màn hình, cùng các thiết bị đi kèm như card stream, card sound v.v… thì game thủ cũng vừa đủ dùng chứ không sợ thiếu thốn gì. Tại sao tôi phải xăm xoi hệ thống khe PCIe trên bo mạch chủ này đến vậy. Hiển nhiên thôi, đã sắm đến tầm này để chơi game mà không phải là phục vụ công việc thì chắc chắn game thủ sẽ phải đầu tư khá nghiêm túc với hàng tá món đồ công nghệ đi kèm rồi. Và việc khe PCIe trên bo mạch chủ có đáp ứng được điều đó không cũng rất quan trọng.
Sau khi đã săm soi hết thảy mọi ngóc ngách của chiếc bo mạch chủ này, chúng tôi hướng ánh mắt đến với các cổng I/O, nhìn thì tưởng chừng nó chẳng mấy quan trong nhưng thực tế thì đây là khu vực phản ánh khá nhiều về các công nghệ tồn tại trên bo mạch chủ cũng như những kết nối ngoại vi liên quan đến trải nghiêm người dùng.
Với số lượng khe PCIe được hỗ trợ rất dồi dào. Hầu hết các cổng USB trên phần I/O này đều là có tốc độ cao nhất là USB 3.2. Chỉ có 2 khe dành cho tính năng Update bios bằng USB và cổng bên cạnh là sử dụng USB 2.0 thông thường mà thôi. TRX40 cũng rất hào phóng với 2 cổng LAN sử dụng 2 card mạng tích hợp riêng biệt và một card mạng không dây. Trong đó đặc biệt xịn xò hơn cả vẫn là cổng LAN Aquantia 5 Gigabit và card mạng không dây hỗ trợ Wifi 6 và Bluetooth 5.0. Cuối cùng là các cổng âm thanh mạ vàng xịn xò kết nối với card âm thanh ESS Sabre Hifi mang chất lượng của các ampli âm thanh chuyên nghiệp lên PC.
Cuối cùng không thể thiếu được độ nặng mà phần backplate chắc chắn đem lại khẳng định một lần nữa sự cao cấp của các sản phẩm bo mạch chủ flagship đến từ Aorus
Nhìn chung giá của trọn vẹn hệ thống gaming sử dụng được hết những tính năng quan trọng của TRX40 Aorus sẽ không có cái giá dưới 100 triệu. Thực sự mà nói thì mặc dù đối tượng của chiếc card này hướng đến là các game thủ lắm tiền nhiều của. Tuy nhiên người thực sự sẽ lựa chọn em nó lại là các nhà sản xuất nội dung cần đến những bộ workstation xịn xò để làm phim, dựng hình 3D hay các máy giả lập, deep learning v.v… Nhưng chúng tôi vẫn mong muốn được một lần chiêm ngưỡng em nó dưới hình hài của một bộ PC Gaming. Bởi vì đó thực sự là đỉnh cao về hiệu năng và một trải nghiệm vô cùng thú vị.