Từ hình tượng WeChat của Trung Quốc, công thức nào để làm siêu ứng dụng?

Siêu ứng dụng là một trong những xu hướng đã và đang được triển khai rất mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Tại sự kiện Digital Growth Summit 2020 (DGS 2020) vừa diễn ra tại TP.HCM, các diễn giả và khách mời đã có dịp xoáy sâu vào chủ đề “super app”. Đây là một trong những xu hướng đã và đang được triển khai rất mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc lẫn Việt Nam, trong đó một hình tượng đã được mang ra mổ xẻ là WeChat của Trung Quốc.

Từ hình tượng WeChat của Trung Quốc, công thức nào để làm siêu ứng dụng? - 1

Còn điển hình tại Việt Nam phải nhắc tới Grab - ứng dụng đặt xe; Zalo - ứng dụng nhắn tin,… thay vì trước đây chỉ tập trung vào một tính năng nhất định thì hiện tại hầu hết đã chuyển mình thành những siêu ứng dụng hay còn gọi là ứng dụng “tất cả trong một”. Họ có đa dạng tính năng từ nhắn tin, gọi điện, đặt thức ăn, đi chợ hộ, mua hoa, thanh toán hóa đơn,… giúp cho khách hàng cảm thấy tiện lợi và thường xuyên sử dụng ứng dụng hơn, từ đó đem lại lợi nhuận tốt hơn cho doanh nghiệp.

Song song với những thuận lợi mà một siêu ứng dụng mang lại, không thể thiếu những khó khăn mà các doanh nghiệp thường gặp phải trên hành trình xây dựng siêu ứng dụng. Tại sự kiện, ông Bùi Huy Dũng - Business Director Accesstrade Vietnam đã chỉ ra những rào cản mà hầu hết doanh nghiệp đều khó tránh xoay quanh bài toán chi phí, vận hành và giữ chân người dùng, đo lường và tối ưu hiệu quả kênh. 

Để giải quyết cho bài toán này, ông Dũng đã đưa ra một công thức để trở thành siêu ứng dụng đó chính là: Xây app, sau đó hợp tác với các nền tảng khác - nơi đã hội tụ sẵn những dịch vụ như mã giảm giá, voucher, hoàn tiền… để tích hợp vào ứng dụng của mình, tiết kiệm thời gian, công sức và cùng lúc mở ra nhiều tính năng mới giữ chân người dùng.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Jack Nguyễn - Regional Managing Director of Insider Inc. chia sẻ, dựa trên những siêu ứng dụng được Insider triển khai trong thời gian gần đây, tỉ lệ người dùng hoạt động một tháng so với số lượng tải ứng dụng là khoảng 35% - 45%.

"Điều này đồng nghĩa với việc, nếu siêu ứng dụng của doanh nghiệp đang triển khai có tỉ lệ thấp hơn con số trên, ở khoảng 20% thì có thể vấn đề đang nằm ở mặt marketing, sản phẩm hoặc dịch vụ của chính doanh nghiệp", ông Jack Nguyễn nói.

Cũng tại sự kiện, các diễn giả đã có cơ hội thảo luận với nhau những chủ đề khác đang nổi lên trong thời đại 4.0. Từ đó, họ đã mang tới cho lãnh đạo các doanh nghiệp, startup những kinh nghiệm quý báu trong quá trình phát triển, mở rộng kinh doanh gắn liền với công nghệ.