Sinh ra từ những năm 1981 đến 1995, thế hệ Millennials được coi là khác biệt so với Gen Z (sinh ra trong khoảng 1996 đến 2012). Trong khi phần lớn GenZ vẫn còn đang đi học, những lứa đầu tiên mới bắt đầu đi làm thì Millennials phần lớn đã có sự nghiệp vững vàng. Tuy nhiên không phải vì thế mà giữa 2 thế hệ này chỉ toàn điểm khác biệt. Sự bùng nổ của smartphone, mạng xã hội và tốc độ kết nối internet trong khoảng những năm đầu thập niên 2010 đã làm thay đổi cả 2 thế hệ này rất đáng kể.
Cả 2 thế hệ đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của đột phá công nghệ, được tiếp cận nhiều với truyền thông trên mạng xã hội, kết hợp chặt chẽ với rất nhiều công cụ đa phương tiện khác. Điều này dẫn tới một hệ quả, đó là họ biết đến rất nhiều lựa chọn trong việc tìm mua các sản phẩm ưng ý. Khác với những thế hệ trước, chỉ biết tới sản phẩm thông qua quảng cáo báo giấy, TV… và được phục vụ một cách thụ động, cả GenZ và Millennials đều có thể chủ động tìm kiếm những thông tin mình cần, đưa những thứ mình cần lên bàn cân để so sánh, đong đếm xem đâu mới là lựa chọn hợp lý, đáng tiền và thông thái nhất.
Một điểm chung nữa ở 2 thế hệ này đó là sở thích mua sắm. Nếu như những thế hệ trước Millennials sinh ra trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn đang bất ổn và trải qua nhiều biến cố (Chiến tranh Lạnh, căng thẳng giữa các nước, khủng hoảng kinh tế…) thì với Millennials và GenZ, họ được sinh ra trong bối cảnh thế giới nhảy vọt mạnh mẽ, cả về kỹ thuật công nghệ lẫn tiềm lực kinh tế, tài chính.
Thích mua sắm nhưng lại có rất nhiều lựa chọn, thích cân đo, đong đếm… tất cả những điều đó đã tạo nên một thế hệ trẻ khó chiều nhất từ trước tới nay dành cho các công ty trên toàn thế giới. Để cung cấp một sản phẩm chiều lòng được cả Millennials và GenZ, các công ty, nhãn hàng buộc phải có chiến lược riêng.
Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, hãng xe sang hàng đầu thế giới Mercedes Benz vén màn chiến lược vô cùng mới lạ. Thay vì mang những đột phá công nghệ, thiết kế, phần mềm… hàng đầu trên xe lên những dòng cao cấp, siêu sang và rất đắt tiền như G Class, S Class… Mercedes-Benz lựa chọn mang những sáng tạo tốt nhất của mình lên những dòng thấp hơn. Gần đây, hãng xe đến từ Đức gây bất ngờ khi mang hệ thống điều khiển, giải trí đa phương tiện MBUX lên chiếc A Class - dòng xe nhỏ có thể coi là “bình dân” nhất trong dải sản phẩm rộng khắp và có giá đắt đỏ của thương hiệu đến từ Stuttgart.
Một cái tên ít nổi hơn là Mazda cũng đang thực hiện chiến lược giống như vậy. Những chiếc Mazda3 với triết lý thiết kế Kodo vô cùng mới mẻ, được trang bị thiết kế nội thất tối giản kiểu Nhật hoàn toàn khác biệt đã bắt đầu bán ra trên toàn thế giới. Không phải Mazda6 hay những sản phẩm có giá đắt đỏ hơn như CX-5, CX-9… mới được phổ cập thiết kế Kodo kiểu mới này, mà lại là Mazda3, một sản phẩm ở phân khúc nhỏ hơn, bình dân hơn và hướng tới đối tượng người dùng trẻ hơn.
2 công ty với nét tương đồng trong chiến lược đã thu về những thành công nhất định. Năm 2019, Mercedes-Benz là hãng xe sang bán chạy nhất thế giới với thành tích 2,34 triệu xe, dẫn đầu phân khúc xe sang tại rất nhiều thị trường như Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Thụy Sĩ… và cả Thái Lan, Việt Nam nữa. Thương hiệu Đức cũng lột bỏ hoàn toàn hình ảnh già cỗi trong quá khứ và dần định vị mình trở thành thương hiệu dành cho người trẻ. Với Mazda, đầu năm 2020, trái ngọt do Mazda3 mang tới đã quá rõ ràng. Trong bối cảnh xe sedan mất dần sức hút, doanh số giảm mạnh, tháng 1/2020 chứng kiến doanh số Mazda tăng trưởng tới 18% với công rất lớn do Mazda3 và những người dùng trẻ mang lại.
Thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới Samsung cũng vừa vén màn Galaxy A71, tiếp tục theo đuổi chiến lược mới mang tên “Đổi mới đảo chiều”. Mặc dù không cùng tên gọi với Mazda hay Mercedes-Benz, chiến lược của những ông lớn này có phần giống nhau: chiều lòng thế hệ người dùng trẻ bằng cách mang đến những cải tiến và đột phá khác biệt lên sản phẩm ở phân khúc phổ thông hơn, sau đó mới áp dụng lên những dòng cao cấp, đắt tiền ở phân khúc trên. Galaxy A51 là minh chứng rõ ràng nhất cho chiến lược đó của Samsung, khi một chiếc smartphone giá chưa tới 8 triệu của thương hiệu Hàn Quốc lại sở hữu tính năng cao cấp hơn cả dòng S/Note. Đó chính là camera macro chụp cận cảnh.
Sang đến Galaxy A71, Samsung tiếp tục nâng tầm chất lượng camera, khi bổ sung cảm biến camera có độ phân giải lên tới 64MP, cao nhất trong phân khúc 10 triệu. Cảm biến ảnh này cũng đánh dấu một bước ngoặt mới, khi hãng sử dụng nguyên liệu “nhà làm”, cho thấy tầm ảnh hưởng trên thị trường cảm biến máy ảnh. Bằng camera chụp cận cảnh macro ấn tượng, có khả năng lấy nét ở khoảng cách siêu gần, chỉ 1 đến 3cm, người dùng trẻ có thể dùng smartphone để thỏa chí sáng tạo chụp những giọt nước, ảnh côn trùng, bông hoa… theo cách vô cùng khác biệt.
Bên cạnh bốn camera sau mạnh mẽ, Galaxy A71 còn sở hữu thiết kế không đụng hàng với bất kỳ smartphone nào khác trên thị trường vào thời điểm ra mắt (trừ người anh em Galaxy A51). Mỏng, nhẹ, màu sắc mặt lưng độc đáo và cụm camera chữ L xếp sau máy đã khiến Galaxy A71 nổi bật hơn hẳn giữa một rừng sản phẩm giá 10 triệu khác trên thị trường. Đó là còn chưa kể đến màn hình SuperAMOLED thiết kế Infinity-O giống như đàn anh Galaxy Note10 - yếu tố gần như chắc chắn sẽ trở thành xu hướng thiết kế mà mọi nhà sản xuất smartphone năm 2020 sẽ học tập.
Trên thực tế, chiến lược “Đổi mới đảo chiều” đã được Samsung áp dụng từ lâu, khi Galaxy A7 (2018) và Galaxy A9 (2018) sở hữu camera góc rộng và hệ thống 4 camera sau đầu tiên trên thế giới, trước cả Galaxy S10+/Note10+. Nhưng đến Galaxy A71, chiến lược ấy mới thực sự vươn tới đỉnh cao, khi hội tụ tất cả những gì “chất” nhất của một chiếc điện thoại trong tầm giá 10 triệu, kết hợp với tính năng chưa từng xuất hiện kể cả ở phân khúc cao cấp hơn.
Năm 2019, kết thúc một khoảng thời gian dài để các đối thủ Trung Quốc lấn lướt về thị phần, Samsung đã cho thấy vị thế của nhà vua khi tổng số smartphone Galaxy xuất xưởng trong năm đạt 296,5 triệu đơn vị, tăng trưởng 1,5% so với mức 291,8 triệu máy của năm 2018. Vị thế số 1 nằm chắc trong tay gã khổng lồ Hàn Quốc khi thị phần hãng này gia tăng từ 19% lên 20%.
Năm 2020, mở màn bằng Galaxy A71, Samsung không giấu ý định sẽ tiếp tục dẫn đầu và trung thành với chiến lược “Đổi mới đảo chiều” đầy hiệu quả. Mấu chốt thành công của hãng đó là chinh phục được trái tim người dùng trẻ - thế hệ Millennials và Gen Z - những người được coi là khó tính hơn rất nhiều so với thế hệ trước đây. Đây cũng là cách mà các công ty trên thế giới có thể tham khảo, học hỏi để tìm ra chiến lược đúng đắn.
Thế hệ Gen Z ngày nay rồi cũng sẽ trưởng thành, có sự nghiệp, có tiền… và đến lúc đó, thương hiệu nào có thể tạo được ấn tượng cho họ sẽ tiếp tục hưởng trái ngọt.