Tương lai mở ra nhờ công nghệ game đa nền tảng Stadia nhưng chưa chắc đã như kì vọng của game thủ

Trong khi nhiều game thủ đang háo hức với sự ra mắt của nền tảng Stadia cho phép họ chơi những tựa game bom tấn trên nhiều thiết bị khác nhau thì sự thật lại có phần phũ phàng hơn nhiều người vẫn nghĩ.

Ý tưởng hay nhưng vẫn tồn tại bất cập

Trên thực tế, ý tưởng tương tự như Stadia không quá mới mẻ, trước Google đã có nhiều nền tảng tương tự đi tiên phong như Geforce Now được trình diễn tại CES 2018 hay cổ hơn nữa là Gaikai và OnLive,... Tuy nhiên mức độ phổ biến của chúng hoàn toàn không cao so với kì vọng của các đơn vị phát triển.

Nguyên nhân chính khiến những dịch vụ chơi game thông qua cloud chưa nhận được sự quan tâm nghiêm túc từ phía game thủ rõ ràng nằm ở vấn đề cực nan giải đó là đường truyền. Trên lý thuyết, chiếc máy chủ đồ sộ của các đơn vị cung cấp đủ sức kéo phà phà hàng trăm thậm chí hàng nghìn tựa game đang được chơi cùng lúc thế nhưng tốc độ mạng của các cơ sở hạ tầng hiện tại rất khó đáp ứng hoàn toàn được dữ liệu truyền tải.

Việc tốc độ mạng và băng thông không đáp ứng đủ đương nhiên dẫn đến tình trạng độ trễ trong thao tác sẽ cao hơn. Đó là chưa kể đến việc sụt giảm khung hình hay game lag khi chơi mang lại trải nghiệm không mấy thoải mái cho người sử dụng. Dĩ nhiên không phải ở đâu cũng vậy nhưng đáng tiếc là đa số người chơi thử đều có phản hồi tương tự khiến cho dịch vụ chưa thịnh hành ở thời điểm hiện tại.

Khó khăn nhất có lẽ nằm ở việc ngay cả khi các nhà cung cấp dịch vụ có nâng cấp cơ sở hạ tầng và thiết bị của mình thì cũng không đồng nghĩa với việc dịch vụ sẽ "chạy nuột" nếu khách hàng không nâng cấp gói mạng của họ đến yêu cầu tối thiểu.

Dịch vụ trả phí đôi khi cũng là rào cản đối với nhiều game thủ đã quen "miễn phí"

Khi mà việc chơi chùa, sử dụng crack vẫn còn đang phổ biến thì có lẽ rất ít người sẽ nghiêm túc trả phí dịch vụ để chơi game mỗi tháng ngay cả khi chúng rẻ như cho. Hiện tượng này tất nhiên là không hề hiếm thậm chí khá phổ biến ngay cả ở những nước đang phát triển. Với độ tuổi trung bình chơi game tập trung nhiều vào khoảng 13~20 thì việc những đối tượng này không có tiền chi trả hoặc có cũng không muốn dùng khi vẫn có những phiên bản "miễn phí" trên mạng là hết sức dễ hiểu.

Tất nhiên vẫn sẽ có người chịu móc hầu bao cho những dịch vụ hay ho như vậy nhưng câu hỏi đặt ra là liệu có đủ để biến việc chơi game stream đa nền tảng trở nên phổ biến? Và với một dịch vụ không đủ khách hàng và lợi nhuận như kì vọng của nhà đầu tư thì... tương lai ra sao chắc không cần phải bàn cãi nữa.

Nhiều khó khăn nhưng không có nghĩa là VÔ VỌNG

Khó khăn và bất cập thì ai cũng thấy, tuy nhiên điều này không có nghĩa là không có tương lai cho Stadia hay những nền tảng chơi game qua cloud khác. Những thứ nêu trên chỉ đúng với những công nghệ lạc hậu và hành vi người dùng hiện tại, và những điều này hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai cũng như bước chân đầu tiên của con người đặt lên mặt trăng vào 1969 vậy đấy.