Vào ngày 24/9 vừa qua, khi CFO của Huawei Mạnh Vãn Châu lên một máy bay Boeing 777 riêng của Air China trở về Thâm Quyến sau gần 3 năm bị quản thúc tại gia ở Vancouver, hàng nghìn người Trung Quốc đã lên mạng để theo dõi đường bay thời gian thực kéo dài 10 tiếng của chuyến bay này và chia sẻ ảnh chụp màn hình đường bay.
Nhiều người đã sử dụng Flightradar24, một trang web cho phép người truy cập có được thông tin tức thời về các chuyến bay, bao gồm điểm đi và đến, vị trí, độ cao, tốc độ và loại máy bay. Những người quan tâm đến hàng không, nhân viên sân bay, công ty lữ hành và phóng viên khắp thế giới đã sử dụng Flightradar24 cùng các nền tảng khác trong nhiều năm để theo dõi các chuyến bay. Và giờ đây, các trang web theo dõi chuyến bay cùng thiết bị họ sử dụng đang rơi vào tầm ngắm của giới chức an ninh quốc gia Trung Quốc.
Ngày 31/10, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin giới quản lý đã tịch thu hàng trăm thiết bị theo dõi - phát sóng phụ thuộc tự động (ADS-B), vốn được Flightradar24 và các trang web tương tự sử dụng để thu thập dữ liệu hàng không. 2 ngày sau, ứng dụng Flightradar24 bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Trung Quốc.
Theo bản tin của CCTV, giới chức an ninh quốc gia Trung Quốc đã phát hiện rằng nhiều tổ chức nước ngoài đã nỗ lực tuyển những người có thú chơi theo dõi máy bay tại Trung Quốc chia sẻ dữ liệu hàng không và máy bay - một hành động bị coi là hành vi di chuyển dữ liệu trái phép ra nước ngoài theo luật pháp Trung Quốc.
Bản tin tiết lộ các tổ chức này đã cung cấp thiết bị và quyền truy cập dữ liệu hàng không miễn phí nhằm khuyến khích nhiều người tham gia.
Người phát ngôn của Bộ Công an Trung Quốc cho biết: “Từ quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện các thiết bị này sử dụng mã hóa khi truyền dữ liệu và lượng dữ liệu được truyền đi rất lớn; việc mã hóa dữ liệu được dùng để tránh bị can thiệp bởi giới chức an ninh mạng ở nhiều nước khác nhau”.
Theo CCTV, chỉ cần khoảng 300 thiết bị ADS-B để theo dõi toàn bộ không phận Trung Quốc, vì bán kính tín hiệu của mỗi thiết bị có thể lên tới 400 km. Mỗi thiết bị có thể chia sẻ dữ liệu của gần 1000 chuyến bay với một nền tảng ở nước ngoài mỗi ngày.
Bản tin này cũng nhấn mạnh rằng thiết bị thu sóng ADS-B có thể thu thập thông tin không chỉ từ các chuyến bay thương mại mà còn từ các máy bay quân sự - điều các quan chức Trung Quốc cho là một hiểm họa trực tiếp đối với an toàn quân sự và hàng không của quốc gia này.
Bản tin của CCTV được phát đi khi ngày 1/11 đánh dấu 7 năm kể từ khi Luật Chống gián điệp của Trung Quốc có hiệu lực. Bắc Kinh cũng đã tăng cường nỗ lực lập pháp nhằm quản lý dữ liệu trong nước, bao gồm Luật An ninh mạng năm 2017 và gần đây là Luật An toàn Dữ liệu vào tháng 9 vừa qua. Luật An toàn Dữ liệu này yêu cầu các doanh nghiệp phải được cơ quan đánh giá an ninh chấp thuận trước khi đưa dữ liệu ra nước ngoài.
Để đảm bảo tín hiệu ADS-B được thu ở mọi nơi trên thế giới, các nền tảng theo dõi máy bay tuyển tình nguyện viên ở nhiều quốc gia thiết đặt thiết bị ADS-B tại nhà và chia sẻ dữ liệu lên mạng. Các thiết bị này thường không lớn hơn một router Wi-fi và có thể có giá dưới 100 USD. Tình nguyện viên của Flightradar24 được nhận thiết bị thu sóng ADS-B miễn phí kèm theo tài khoản cấp cao có giá trị 499.99 USD/năm.
Một thiết bị thu sóng ADS-B do Flightradar24 cung cấp. Ảnh: Wikipedia.
Thiết bị ADS-B nhận tín hiệu thường được phát bởi các chuyến bay thương mại nhằm công khai thông tin cho công chúng và tránh va chạm. Việc theo dõi tín hiệu ADS-B đã trở nên phổ biến hơn ở quy mô toàn cầu sau khi chuyến bay số hiệu 370 của Malaysia Airlines, khởi hành từ Kuala Lumpur (Malaysia) đi đến Bắc Kinh, mất tích bí ẩn tháng 3/2014 và hiện vẫn chưa được tìm thấy.
Máy bay quân sự cũng có khả năng phát tín hiệu ADS-B, cho phép những người quan tâm đến hàng không thường xuyên theo dõi vị trí của các máy bay quân sự Mỹ trên những nền tảng như Flightradar24 và ADSBExchange.com. Tuy nhiên, máy bay quân sự gần như luôn tắt tín hiệu ADS-B khi làm nhiệm vụ.
Hình ảnh từ trang web ADSBExchange.com cho phép theo dõi chuyến bay