Nhóm khoa học gia từ Học viện Khoa học Trung Quốc ở Nam Kinh đã xem xét một bản đồ tia gamma phóng xạ - dạng ánh sáng có năng lượng cao nhất trong vũ trụ, phát sinh từ các tia vũ trụ mang các hạt tốc độ cực cao. Họ phát hiện ra rằng chúng đang đâm vào một dạng vật chất nào đó giống như bức tường thành khổng lồ vây bọc trung tâm thiên hà chứa Trái Đất, tạo nên những cú bùng nổ.
Bản đồ này còn tiết lộ một thứ bí ẩn khác đang gia tốc các hạt với tốc độ kinh hoàng, gần với tốc độ ánh sáng, tạo ra vô số tia vũ trụ và tia gamma ngay bên ngoài trung tâm thiên hà, thổi một cơn bão năng lượng cao liên tục vào không gian. Và mặc dù vậy, nhờ vào "trường thành" bí ẩn nói trên, lõi của thiên hà dường như hết sức bình yên bởi phần lớn tia vũ trụ hướng vào trong đều được ngăn cản.
Theo Live Science, cách thức hoạt động của bức tường thành vũ trụ này và vì sao nó tồn tại vẫn là một bí ẩn.
Trước đó, người ta nghi ngờ chính lỗ đen "quái vật" ở trung tâm thiên hà là thủ phạm gia tốc các proton và electron đến gần tốc độ ánh sáng và tạo ra "biển tia vũ trụ" khắp thiên hà của chúng ta. Tuy nhiên nghiên cứu mới này cho thấy lỗ đen vô can bởi vùng không quan quanh nó rất ít tia vũ trụ.
Còn một số nguồn gốc khả dĩ khác được cho là thủ phạm tạo ra biển tia vũ trụ, như gió sao mạnh từ những ngôi sao khổng lồ chen chúc ở phần trung tâm thiên hà, hoặc các siêu tân tinh cổ đại. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng còn cần phải nghiên cứu thêm.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.