Theo báo cáo của Xiaomi, động thái khóa smartphone của hãng ở các quốc gia và khu vực bao gồm Cuba, Iran, Syria, Triều Tiên, Sudan và Crimea là “không nhắm mục tiêu vào bất kỳ thị trường cụ thể nào” mà đó chỉ đơn giản là kết quả của quá trình quản lý xuyên khu vực nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu qua thị trường xám (ám chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức) và bảo vệ an ninh dữ liệu của người dùng.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi một số phương tiện truyền thông đưa tin Xaiomi đã chặn smartphone của họ ở các quốc gia và khu vực được đề cập trước đó, nơi công ty chưa thiết lập sự hiện diện chính thức. Chính sách xuất khẩu của Xiaomi không cho phép khách hàng của mình xuất khẩu bất kỳ sản phẩm nào sang các quốc gia và khu vực bị cấm. Tuy nhiên, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, thị trường xám đang mở rộng trong những năm gần đây và việc khách hàng mua thiết bị Xiaomi ở một khu vực và sử dụng chúng ở khu vực khác là điều khá phổ biến.
Một số phương tiện truyền thông đã quy kết động thái gần đây của Xiaomi nhằm khóa các thiết bị cầm tay của mình là vì Mỹ đang gây áp lực lên công ty Trung Quốc để chặn điện thoại được sử dụng tại các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của họ.
Xiaomi cho biết đã mở khóa các thiết bị tại các thị trường "vùng cấm" trở lại.
Đáp lại, Xiaomi cho biết hãng chỉ đơn giản là “tạm khóa” một số smartphone để ngăn chặn và điều tra các hành vi buôn lậu tiềm ẩn gây tổn hại đến bảo mật thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng. Người phát ngôn của Xiaomi cho biết: “Cuộc điều tra đã đạt được kết quả đáng kể và các thiết bị bị ảnh hưởng có thể được mở khóa ngay bây giờ”.
Vào quý 2/2021, Xiaomi đã lần đầu tiên trở thành hãng sản xuất smartphone đứng thứ hai trên toàn cầu, với một trong những lý do lớn là sự tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường nước ngoài. Xiaomi cũng chiếm khoảng 15% thị phần tại Cuba, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Statcounter.