Vì sao Vsmart bỗng dưng "hồi sinh" tham vọng phát triển smartphone cao cấp?

Từ ngày thành lập cho tới nay, Vsmart vẫn luôn là một thương hiệu tầm trung/giá rẻ.

Vsmart cao cấp không phải là câu chuyện mới mẻ. Ngay trong sự kiện ra mắt những chiếc smartphone đầu tiên (Joy và Active), VinGroup đã công bố về những chiếc "Vsmart Lux" thuộc phân khúc cao cấp và "Vsmart Super Lux" thuộc phân khúc siêu cao cấp. Mang cùng một tên gọi với các dòng sedan và SUV cao cấp do VinFast sản xuất, các dòng smartphone này sau đó… bặt vô âm tín. Vsmart cùng lúc liên tục tạo tiếng vang trên thị trường, từ chiến dịch giảm giá cho Live thế hệ đầu cho đến lễ khởi công nhà máy có công suất bằng 1/8 sản lượng smartphone toàn cầu.

Song, Vsmart sẽ không mãi mãi là một tên tuổi giá rẻ. Trong một tuyên bố tới báo giới, ông Trần Minh Trung, Phó Tổng giám đốc VinSmart khẳng định:

"Hiện nay chúng tôi đang thuê Pininfarina – nhà thiết kế Ý nổi tiếng thế giới để thiết kế mẫu vỏ điện thoại cho dòng cao cấp của Vsmart, phần cơ khí và phần mềm sẽ do các kỹ sư của Vsmart tự thiết kế. Dự kiến cuối năm tới, sản phẩm này sẽ ra mắt thị trường".

Vì sao Vsmart bỗng dưng hồi sinh tham vọng phát triển smartphone cao cấp? - Ảnh 1.

Trong tương lai, sẽ có Vsmart cao cấp.

Tuyên bố mới đây của ông Trung về điện thoại Vsmart cao cấp bởi thế có phần bất ngờ. Toàn bộ các bước đi của Vsmart trong năm vừa qua đều không có bóng dáng của phân khúc giá cao. Khi những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán đã tới gần, nhắc đến Vsmart vẫn là nhắc đến smartphone giá rẻ. Sản phẩm mới nhất của hãng là Active 3 đã giảm giá mạnh sau khi lên kệ chỉ vài tuần. Dư âm của đợt tặng 100,000 chiếc Vsmart đến cư dân VinHomes vẫn còn khá rõ rệt, và đây có lẽ sẽ là câu chuyện còn tiếp diễn trong ngày Tết. Thậm chí, hướng đi tập trung vào giá rẻ và phổ cập thị trường như hiện tại mới là hướng đi đúng đắn nhất cho Vsmart: với tầm nhìn xây dựng một hệ sinh thái số, những chiếc smartphone chịu lỗ sẽ là công cụ đắc lực để Vsmart thu thập dữ liệu và phổ cập dịch vụ.

Vậy, tại sao Vsmart lại vội vã hướng đến phân khúc giá rẻ đến vậy? Lý do đầu tiên có thể nghĩ tới là tham vọng toàn cầu. Đến tháng 2/2020, công suất của siêu nhà máy VinSmart tại Hòa Lạc sẽ chính thức cán mốc 125 triệu máy, tức tương đương với 1/8 sản lượng smartphone toàn cầu mỗi năm. Cùng lúc, cả thị trường Việt Nam mỗi năm chỉ tiêu thụ trên dưới 15 triệu máy. Mặc dù con số 125 triệu máy/năm sẽ bao gồm cả Vsmart lẫn sản phẩm gia công, Vsmart rõ ràng sẽ không thể giới hạn tham vọng của mình trên thị trường nội địa.

Vì sao Vsmart bỗng dưng hồi sinh tham vọng phát triển smartphone cao cấp? - Ảnh 2.

Khi sản xuất 125 triệu máy/năm, Vsmart sẽ phải lấn sân sang các phân khúc giá mới.

Điều này cũng có nghĩa rằng Vsmart buộc phải hướng dần sang các phân khúc giá cao hơn. Thị trường smartphone toàn cầu đã chững lại trong suốt 3 năm qua, lượng mua hoặc đứng yên hoặc suy giảm. Cùng lúc, giá smartphone đến tay người dùng vẫn tiếp tục tăng , đặc biệt là tại các thị trường vừa mới "chớm bão hòa" như Trung Quốc. Nói cách khác, người dùng không còn mua mới điện thoại nữa, nhưng khoản tiền họ chi cho chiếc điện thoại thứ 2 hoặc thứ 3 sẽ ngày một gia tăng.

Gần như bất kỳ một hãng điện thoại quốc tế nào cũng đều có động thái đón đầu trào lưu này. Bên cạnh smartphone cao cấp "thường", Apple và Samsung năm qua đã ra mắt các sản phẩm cao cấp giá mềm như Galaxy S10e hay iPhone XR, iPhone 11 để đón đầu nhóm người dùng nâng cấp từ tầm trung. Các thương hiệu vốn gắn liền với giá rẻ như Xiaomi hay OPPO cũng gia tăng số lựa chọn đắt đỏ, riêng OPPO thậm chí còn ra mắt hẳn một dòng sản phẩm mới (Reno) để tấn công vào phân khúc cận cao cấp đang nóng dần.

Là kẻ đi sau, Vsmart bắt buộc cũng phải sớm có vũ khí đối đầu: người dùng mua Joy+ hay Bee 3 cũng sẽ có ngày nâng cấp, và nếu Vsmart không có Lux hay Super Lux, họ sẽ chuyển sang mua Samsung hoặc OPPO để thay thế.

Vì sao Vsmart bỗng dưng hồi sinh tham vọng phát triển smartphone cao cấp? - Ảnh 3.

Muốn sinh lời, Vsmart phải hướng sang phân khúc giá cao cấp.

Cuộc chuyển dịch từ smartphone giá rẻ sang smartphone cao cấp cũng kéo theo một thay đổi khác: từ thua lỗ/hòa vốn sang lợi nhuận. Do chi phí linh kiện và chi phí lắp ráp từ smartphone cấp thấp sang smartphone cao cấp không thay đổi quá nhiều, chuyển hướng từ smartphone giá rẻ sang smartphone cao cấp sẽ giúp Vsmart mang về cho VinGroup những khoản lãi cao hơn hiện nay. Tôn chỉ kinh doanh "nhanh, gọn, vì lợi nhuận" của VinGroup đã luôn được thể hiện rõ ràng trong lịch sử kinh doanh của tập đoàn này, và có lẽ đến một lúc nào đó Vsmart sẽ phải trở thành công cụ sinh lời thay cho vai trò " công cụ đốt tiền vẽ tương lai " như hiện nay. Hướng đi duy nhất mà Vsmart có thể theo đuổi là chuyển hướng sang smartphone đắt hơn, sang trọng hơn.

Cuối cùng và có lẽ là cũng không kém phần quan trọng, smartphone cao cấp là mảnh ghép cuối cùng trong niềm tự hào Việt Nam mà VinGroup đã luôn nhắc đến. Trong hai mảng sản xuất đầu tiên tham gia kể từ khi chuyển hướng thành công ty công nghệ, mảng xe hơi của VinGroup đã đạt được những thành công bước đầu khi đạt trên 17,000 đơn hàng, trong đó những đơn hàng Lux cho thấy xe của người Việt đã có thể phần nào đứng ngang tầm với xe nước ngoài. Nhưng "smartphone" của người Việt hiện tại vẫn chưa thể mon men tới gần Galaxy hay iPhone tầm trung. Phải khi nào có Vsmart Lux, niềm tự hào của VinGroup mới thực sự hoàn thành.

Niềm tự hào này sẽ không chỉ mang ý nghĩa tinh thần. Hãy nhìn vào Samsung và HTC: cùng là những tên tuổi nổi lên trong thời đại "sơ khai" của Android, HTC lụi bại vì chiến lược đầu bảng quá rối loạn trong những năm 2010 đến 2012. Cùng lúc, khi Galaxy S tạo dựng được vị thế là đối thủ duy nhất của iPhone, toàn bộ "nhà" Galaxy cũng được thơm lây, cho phép Samsung nhanh chóng chiếm lấy ngôi vương của Nokia. Đến giờ, ngay cả trên các sản phẩm phân khúc dưới, thương hiệu Samsung vẫn mang một ý nghĩa tích cực hơn các thương hiệu Trung Quốc như OPPO, Xiaomi và Huawei.

Vì sao Vsmart bỗng dưng hồi sinh tham vọng phát triển smartphone cao cấp? - Ảnh 4.

Vsmart sẽ phải rất vất vả mới có thể thay đổi hình ảnh phân khúc.

Dù sao, con đường phía trước vẫn còn rất dài. Trải qua hơn 13 năm phát triển, chiếc "modern smartphone" đang đi đến giới hạn sáng tạo khi các hãng vật lộn tìm kiếm sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Đôi lúc, tình cảnh bí bách này khiến họ tạo ra những tính năng vô nghĩa hoặc gây bực cho người dùng, điển hình là 3D Touch của Apple, nút bấm Bixby của Samsung hay màn hình bao quanh thân máy của Xiaomi.

Muốn gia nhập phân khúc cao cấp, Vsmart cũng sẽ phải trả lời câu hỏi đó: đâu là điểm khác biệt mà Vsmart có thể tạo ra trong một rừng smartphone giá thành đắt đỏ nhưng trải nghiệm xêm xêm nhau? Câu trả lời có thể sẽ được tập đoàn lớn nhất Việt Nam đưa ra vào cuối năm nay, và đó có lẽ là chiếc smartphone đáng để người Việt chờ đón nhất trong năm đầu tiên của thập kỷ mới.