(Tổ Quốc) - Việt Nam đang nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu với sự góp mặt của những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ như Samsung, Apple, Xiaomi...
Với những yếu tố cơ bản vững chắc và vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam được các hãng smartphone hàng đầu "chọn mặt gửi vàng" bằng hàng loạt các dự án đầu tư FDI lớn.
Việt Nam, "ngôi sao" đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trong bài viết được đăng tải gần đây, tạp chí về đầu tư Moneyweek của Anh nhận định, các sản phẩm "Made in Vietnam" đang khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Theo Moneyweek, nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử đều chung đánh giá là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam như một bảo chứng cho chất lượng.
Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện...
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, cả năm 2021, Việt Nam sản xuất 233,7 triệu chiếc điện thoại di động, tăng 7,6% và trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580.800 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2020. Cùng đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và chiếm trên 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2021.
Cũng trong năm 2021, thu hút FDI của Việt Nam đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam.
Số liệu thu hút nguồn vốn FDI của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 5 đầu năm 2022 cũng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn khi rót khoảng 7,71 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Được đánh giá như "ngôi sao" đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có sự xuất hiện của hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ đã như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm… Trong số này, đặc biệt phải kể đến Samsung của Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2021 số vốn mà tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD.
Tính đến cuối năm 2021 số vốn mà tập đoàn Samsung đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD (Ảnh: Tomoya Onishi)
Samsung Việt Nam hiện vận hành 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi 128 quốc gia. Trong kế hoạch phát triển của Tập đoàn Samsung toàn cầu, Việt Nam đang vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu và sẽ trở thành trung tâm chiến lược về R&D.
Bên cạnh Samsung, dù chưa sản xuất iPhone ở Việt Nam song ngay từ đầu năm 2021, Tập đoàn công nghệ Foxconn - đối tác sản xuất chính của Apple đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Bắc Giang với tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD. Dự án này chuyên sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay với công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm.
Trước đó, tất cả sản phẩm iPad đều được lắp ráp tại Trung Quốc nhưng nay đã mở rộng sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Các sản phẩm quan trọng của Apple như iPad, AirPods, MacBook, AirPods và AirPods Pro hiện đã được sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Gần đây nhất là Xiaomi, công ty công nghệ của Trung Quốc - nơi vốn là trung tâm sản xuất của thế giới, cũng mở rộng sản xuất sang Việt Nam. DBG Technology Việt Nam, đối tác của Xiaomi hiện đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại Thái Nguyên, trị giá 80 triệu USD và đưa vào hoạt động từ tháng 6/2021. Nhà máy này được kỳ vọng sản xuất 20 triệu sản phẩm mỗi năm không chỉ điện thoại mà còn máy tính, điện tử gia dụng, linh kiện điện tử.
Một thị trường đầy hứa hẹn
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam là nơi được nhiều "ông lớn" trong làng công nghệ "chọn mặt gửi vàng" là do thị trường Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng.
Việt Nam là nơi được nhiều "ông lớn" trong làng công nghệ "chọn mặt gửi vàng" (Ảnh: Nguyen Huy Kham / REUTERS)
Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa gần 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của ASEAN, thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một quốc gia có nguồn lao động dồi dào, độ tuổi còn trẻ và đặc biệt là chi phí khá thấp so với toàn thị trường lao động trên thế giới. Sự ổn định cũng khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Các dự án nghiên cứu phát triển (R&D) đang được ưu đãi đặc biệt và có nhiều tiềm năng phát triển khi Việt Nam có đủ khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Thành công của Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam là một ví dụ cho nhận định này.
Đáng lưu ý, riêng với nhóm hàng smartphone, Việt Nam cũng đạt tỷ lệ người dân sử dụng ở mức cao trên thế giới, trung bình 1 smartphone/người. Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến Xiaomi xây dựng nhà máy sản xuất bởi Việt Nam là thị trường lớn của Xiaomi, chỉ xếp sau Trung Quốc.
Người Việt có xu hướng chọn mua thiết bị công nghệ hiện đại, với chi tiêu trung bình cho đồ điện tử thuộc top đầu các nước trong khu vực
Thống kê năm 2021 của GfK cho thấy, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng smartphone bán ra thị trường Việt Nam tăng trưởng tốt từ mức 15,7 triệu chiếc vào năm 2020 lên 16,8 triệu chiếc.
Tỷ trọng smartphone với điện thoại cơ bản cũng lớn dần qua từng năm. Năm 2020, con số tương ứng là 71% và 29%, đến năm 2021 đã là 80% và 20%. Số tiền chi mua một smartphone cũng tăng lên đáng kể, từ mức khoảng 257 USD (5,8 triệu đồng) năm 2017 lên mức 292 USD (6,6 triệu đồng).
"Người Việt thích nâng cấp smartphone có cấu hình cao hơn, hỗ trợ công nghệ mới như 5G và bộ nhớ lớn dù giá bán lẻ trung bình của smartphone có xu hướng tăng trong năm 2021", đại diện GfK cho biết.