Xu thế lạ lùng
Khi dịch bệnh bùng phát và nhiều quốc gia/thành phố phải tiến hành phong tỏa, các dịch vụ phát video qua mạng cũng đồng loạt đưa ra những tuyên bố tương tự nhau. YouTube, dịch vụ chia sẻ video của Google khẳng định sẽ chuyển độ phân giải mặc định xuống mức SD thay vì HD như trước đây. Netflix, dịch vụ phát phim trực tuyến với 167 triệu người dùng, cũng khẳng định sẽ cắt giảm chất lượng phim tại châu Âu, châu Mỹ và nhiều khu vực khác.
Ngay đến cả những cái tên kém tầm cũng phải thực hiện bước đi tương tự. Vừa kịp đặt chân tới châu Âu, Disney+ đã phải cắt giảm 25% chất lượng để tiết kiệm băng thông cho châu lục đang bị Covid-19 tàn phá này. Tuy không phải là các công ty có nguồn thu chính từ video, cả Amazon và Facebook đều đã công bố cắt giảm chất lượng trên các dịch vụ của riêng mình (Prime Video, Twitch, Facebook, Instagram).
Khi người dân tại nhiều nước bị buộc phải ở nhà, các dịch vụ số cũng đua nhau công bố cắt giảm chất lượng.
Cuối cùng, Apple TV+ cũng không phải là ngoại lệ. Do thế mạnh lớn nhất của dịch vụ từ Apple là chất lượng 4K HDR, sự thay đổi này đã thu hút sự chú ý của nhiều người.
Cái may trong cái rủi
Dĩ nhiên, giảm chất lượng chiếu là một lựa chọn bất đắc dĩ dành cho các dịch vụ streaming. Tuy vậy, nhìn ở khía cạnh tươi sáng hơn, việc bắt buộc phải giảm chất lượng streaming cho thấy rõ ràng nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng đang gia tăng.
Điều này có nghĩa rằng, khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, khi các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, khi doanh số phần cứng suy giảm trầm trọng, dịch vụ số vẫn có thể mang về dòng tiền ổn định cho các ông lớn công nghệ.
Vô tình, đây cũng là định hướng được Apple đẩy mạnh sau "thất bại" của iPhone XS. Năm 2019, khi doanh số iPhone suy giảm vì không thu hút được người dùng, Apple liên tục hướng sự chú ý của cổ đông sang mảng kinh doanh dịch vụ, vốn bao gồm dòng tiền từ App Store, Apple Music, iCloud… Trong các buổi họp cổ đông, Apple không quên "khoe" số người đang sử dụng iPhone, coi đây là nguồn thu tiềm năng cho các dịch vụ số của hãng.
Tính đến quý 4/2019, với sự ra mắt của TV+ và News+, dịch vụ đã trở thành mảng doanh thu lớn thứ 2 của Apple , vượt mặt cả iPad, Mac và hiện chỉ còn thua kém iPhone.
Khi doanh số phần cứng suy giảm, Apple chuyển sang thúc đẩy doanh thu dịch vụ.
Phá giá phần cứng để thúc đẩy doanh thu phần mềm là tôn chỉ được Xiaomi công bố từ khi mới thành lập.
Nhưng Apple không phải là thương hiệu smartphone đầu tiên coi phần cứng là bàn đạp cho doanh thu dịch vụ. Với Xiaomi, dịch vụ Internet là lý do để công ty này bán smartphone giá rẻ mà vẫn… thu hút được vốn từ cổ đông. Trong tuyên bố IPO, Xiaomi tự gọi mình là một "công tyInternet" , sử dụng phần cứng giá rẻ để thu hút người dùng chi tiền cho các dịch vụ đi kèm MIUI.
Nhưng cả 2 đều không "cao tay" như Google. Mặc dù vẫn đang nắm trong tay hệ điều hành phổ biến số 1 thế giới, Google suốt 12 năm qua không hề "nghiêm túc" với mảng phần cứng khi chỉ đầu tư "nửa vời" cho các dòng Nexus và Pixel. Bất cứ một nhà sản xuất nào cũng có thể sử dụng Android một cách miễn phí với điều kiện rằng các dịch vụ Google phải được cài đặt sẵn . Kết quả là khi smartphone thay thế PC, vị thế của các dịch vụ Google cũng được giữ vững: dù không đầu tư mạnh vào phần cứng, Google vẫn có thể lọt vào "câu lạc bộ nghìn tỷ" cùng Apple.
Phép thử Covid-19
Covid-19 có thể coi là phép thử cho chiến lược kinh doanh của Apple và tất cả các ông lớn phần cứng khác. Thực tế, trước khi dịch bệnh này nổ ra, doanh số smartphone cũng đã "èo uột" trong nhiều năm. Dù vẫn đều đặn ra mắt (và tự ca ngợi) sản phẩm mới, sự thật là các nhà sản xuất phần cứng đã đánh mất khả năng thu hút người dùng.
Doanh số smartphone thực chất đã suy thoái trước cả khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Các thị trường tablet và PC thậm chí còn rơi vào suy thoái trước cả smartphone. Tuy đang phát triển mạnh, thị trường phụ kiện (tai nghe, smartwatch v…v…) có giá trị rất nhỏ và khó có thể bù đắp cho các mảng lớn khác. Không sớm thì muộn, thị trường phần cứng nói chung cũng sẽ có lúc phải chạm đáy với những con số có thể tồi tệ hơn cả hiện tại.
Tuy bất ngờ, Covid-19 đã buộc Apple và các nhà sản xuất khác phải đối mặt với một thực tại tất yếu: phải làm gì khi doanh số phần cứng lao dốc? Ngay lúc này đây, các dịch vụ Internet đang là câu trả lời dễ thấy nhất. Ngay cả khi kinh tế trì trệ, khi các cửa hàng bán lẻ bị đóng cửa, khi người tiêu dùng không thể ra khỏi nhà, họ vẫn có thể tạo ra doanh thu cho các dịch vụ số. Và đó có thể là cách họ giúp cho nền công nghiệp hi-tech vẫn giữ vững được tăng trưởng trong một tương lai xa, khi chu kỳ nâng cấp smartphone trở nên dài hơn không kém gì PC và tablet của hiện tại.