Liên quan tới trào lưu đăng bài lên Facebook kèm các hashtag để "gom 100.000 chữ A" nhằm mục đích lan tỏa nhận thức về trẻ tự kỷ, đồng thời mang tới gói tài trợ 200 triệu đồng tổ chức những lớp học miễn phí cha mẹ có con tự kỷ, tối 14/4, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) đã chia sẻ một số thông tin trên fanpage của họ.
VAN cho biết, mục đích chính của chương trình là thức dậy mối quan tâm và nhận thức về tự kỷ. Tự kỷ cần được nhận thức đúng, phát hiện sớm, và can thiệp kịp thời, đúng cách. Điều đó sẽ làm thay đổi cuộc đời của những người tự kỷ một cách tích cực. Chương trình được phát động trong dịp này, là để hưởng ứng Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ - 2/4 do Liên Hợp Quốc phát động.
Về các tranh cãi xoay quanh chiến dịch lần này, VAN viết trên fanpage: "Chúng tôi nhận lỗi nếu có những sơ suất trong việc truyền thông, đăng bài về sự kiện, gây ra những hiểu lầm đáng tiếc. Kết lại hành trình gom nhặt những chữ A là những bức hình tràn đầy sự lạc quan vui vẻ của mọi người tham gia trên Facebook thời gian qua, không phải là sự lợi dụng bất cứ ai. Cảm ơn các bạn đã ủng hộ, cũng như các bạn đã có phản hồi".
Bài chia sẻ rất dài của VAN về sự việc.
Trước đó, chương trình "gom 100.000 chữ A" đã tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội. Nhiều người tích cực chia sẻ thông tin về chương trình, nhưng cũng không ít người đã phản ứng khi biết nội dung thử thách chỉ là "ảo". Với rất nhiều Facebooker, thông tin mà họ đang chia sẻ có thể gọi là tin "thật trong giả", trong đó thật chính là sự lan tỏa mang tính nhân văn và gói tài trợ 200 triệu đồng, còn ảo chính là tính phi thực tế của thử thách khi mà số tiền tài trợ 200 triệu đồng của Grand Challenges Canada đã được chuyển cho A365 (một chương trình chăm sóc thông minh) từ lâu.
Tìm hiểu thông tin từ bà Vũ Song Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và là người khởi xướng chiến dịch, được biết, số tiền nói trên theo kế hoạch ban đầu sẽ được tài trợ cho một chương trình trong lĩnh vực thể thao. Song do ảnh hưởng của dịch Covid-19, CCIHP đã xin phép nhà tài trợ chuyển sang chương trình nâng cao nhận thức cho cộng đồng về trẻ tự kỷ.
Mặc dù vậy, trong bài chia sẻ mới nhất của VAN, họ vẫn chưa nói đến chi tiết này. Thay vào đó, VAN chỉ cho biết: "Về gói tài trợ 200 triệu đồng để mở các khóa tập huấn phụ huynh, được đưa ra như điều kiện của chương trình, cũng không có nghĩa là nó sẽ bị từ chối khi không đủ 100.000 chữ A".
"Chúng tôi rất tiếc nếu như có sự hiểu lầm rằng, có một sự ép buộc phải đạt được định mức 100.000 chữ A trong thời gian ngắn. Chính sự ủng hộ của các bạn đang từng ngày chia sẻ những bức hình lạc quan, những khoảnh khắc đẹp đẽ, những lời động viên đến cha mẹ có con tự kỷ, đã giúp chúng tôi hoàn thành chương trình sớm hơn dự kiến. Mọi chữ A các bạn đóng góp đều quý báu và là sự ủng hộ mà chúng tôi vô cùng trân trọng", VAN viết.
Tạm gác những lùm xùm xoay quanh chiến dịch, trên hết, chiến dịch đã đạt được thành công quan trọng nhất là lan tỏa nhận thức của cộng đồng đối với trẻ tự kỷ. Đối với 200 triệu đồng từ nhà tài trợ, A365 và VAN sẽ cùng nhau tổ chức các lớp học dành cho cha mẹ có trẻ tự kỷ - đây là điều chắc chắn sẽ diễn ra.
VAN cho biết, số tiền 200 triệu ước tính sẽ tổ chức được từ 10 đến 15 cuộc tập huấn tiếp theo, với cách thức tổ chức như năm 2019. Kinh phí sẽ chi trả cho chuyên gia (1 ngày), phương tiện đi lại (vé máy bay nếu đến tỉnh xa), chi phí lưu trú của đội tổ chức. Ngoài ra, ban tổ chức sẽ không thu phí từ người tham gia tập huấn, không trả lương cho tình nguyện viên của VAN và A365 đi tham gia tổ chức tập huấn.