Các thông tin thị trường cho thấy, khi nhu cầu làm việc tại nhà gia tăng, nhu cầu mua mới laptop và PC để bàn cũng gia tăng lên các mức đáng ngạc nhiên. Nhưng với những người đã theo dõi thị trường điện toán trong nhiều năm, đó là một điều dễ hiểu: trong nhiều năm, chiếc PC (tại nhà) đã bị thay thế bởi smartphone, tablet và thậm chí là cả smart TV. Khi người dùng đã có rất nhiều những thiết bị để kết nối và giải trí tại nhà, và khi họ chỉ cần gói gọn việc làm quanh chiếc PC tại công ty, nhu cầu máy tính cá nhân chắc chắn sẽ giảm sút.
Và rồi, đến khi dịch bệnh ngăn nhân viên các công ty không thể ra khỏi nhà, người dùng cũng đổ xô đi mua PC với một suy nghĩ đơn giản: phải có PC (mới) thì mới làm việc được. Thực tế không hẳn là như vậy.
Đẩy sức mạnh tính toán ra khỏi thiết bị cá nhân
Khi bạn dùng Google để tìm kiếm, chiếc PC/điện thoại của bạn chỉ chịu trách nhiệm hiển thị một trang web rất "nhẹ ký"...
Sự trỗi dậy của các thiết bị di động đã góp phần tạo ra một xu thế chung cho thị trường điện toán: đám mây. Khi các thiết bị cá nhân ngày càng mỏng gọn và có sức mạnh tính toán giới hạn, các logic phức tạp, các phép xử lý khối lượng lớn nên được đưa lên máy chủ.
Xu thế này tưởng chừng rất xa vời nhưng thực chất đã thấm sâu vào trải nghiệm số hàng ngày. Khi bạn chơi một tựa game online, điện thoại của bạn chỉ hiển thị đồ họa và ghi nhận các nút bấm, cử chỉ, còn đám mây của nhà phát hành game mới phải xử lý "nặng": máy chủ liên tục phải tính toán kết quả từng đòn đánh, cùng lúc thay đổi thông số của hàng triệu tài khoản cùng lúc. Khi bạn đăng "tút" lên Facebook, những dòng chữ, bức ảnh của bạn sẽ được đưa lên đám mây có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu nhiều Petabyte (hàng triệu Gigabyte) mỗi ngày.
Hoặc, khi bạn tìm kiếm Google, thiết bị của bạn chỉ hiển thị một trang HTML có dung lượng nhỏ. Còn cỗ máy chính chịu trách nhiệm quét qua hàng triệu trang web để tìm ra thứ bạn muốn, dĩ nhiên là máy chủ "trên mây" của Google.
...còn nhiệm vụ lọc tìm hàng triệu trang web lại thuộc về máy chủ của Google.
Nguyên tắc nói chung rất đơn giản: thiết bị của người dùng chỉ chịu trách nhiệm hiển thị và nhận tương tác từ người dùng (gõ phím, click chuột, cử chỉ cảm ứng). Thành phần chịu trách nhiệm xử lý chính là đám mây.
Cỗ máy của riêng bạn, phần cứng của chung
Dần dần, trào lưu đám mây đã đi đến một mức độ mới: tại sao không đưa phần lớn sức mạnh tính toán của chiếc PC lên mây? Chỉ cần một chiếc ChromeBook hay iPad để làm cầu nối, bạn có thể điều khiển một cỗ máy PC Windows nằm ở "trên mây". Chip, RAM, GPU, ổ cứng của cỗ máy này đều ở một trung tâm dữ liệu nào đó của Microsoft, Google hay Amazon. Thiết bị mà bạn đang dùng chỉ đơn giản là cầu nối hiển thị/nhận cử chỉ điều khiển cho cỗ máy xa xôi ấy mà thôi.
Nói nôm na, trải nghiệm này giống như là khi bạn "teamview" vào một cỗ máy khác. Nhưng thay vì teamview vào một chiếc PC do chính bạn sở hữu và quản lý, bạn sẽ "teamview" vào một PHẦN NHỎ của một cỗ máy chủ ở trên mây…
Desktop as a Service: Biến cỗ máy mà bạn đang có trong tay trở thành cỗ máy hiển thị cho một cỗ máy nào đó "trên mây".
Ông chủ của Windows là Microsoft đã ra mắt dịch vụ này từ năm ngoái. Với tên gọi "Windows Virtual Desktop", dịch vụ của Microsoft cho phép các công ty thiết lập máy ảo chạy Windows 7/10 Enterprise, cài đặt sẵn các ứng dụng Office 365 và nhiều ứng dụng x86 quen thuộc. Một trải nghiệm Windows đầy đủ và sẵn sàng cho công việc có thể được thiết lập chỉ bằng vài cú click chuột.
Hiển nhiên, Windows Virtual Desktop không phải là sản phẩm đầu tiên của Microsoft nhằm đưa đến trải nghiệm desktop đầy đủ thông qua sức mạnh đám mây. Và các công ty khác cũng không để dành miếng ngon cho một mình Microsoft. Từ ông lớn của đám mây mà Amazon cho đến các công ty vốn chuyên về ảo hóa như VMWare hoặc Citrix, tất cả đều có sản phẩm ảo hóa riêng. Và đó là còn chưa kể đến các tên tuổi nhỏ, chỉ dành riêng cho giới enterprise (doanh nghiệp).
Đường mạng đổi lấy nhiều lợi ích
Dĩ nhiên, muốn có trải nghiệm desktop từ xa như mong muốn, bạn phải có một đường mạng tốt. Nhưng điều khiển một chiếc PC Windows 10 có "màn hình" 1080p từ xa cũng sẽ chỉ đòi hỏi đường mạng ngang ngửa với trải nghiệm xem phim Full HD trên YouTube hoặc Netflix mà thôi. Với hạ tầng mạng ngày nay, đó là một yêu cầu không còn quá cao nữa.
Truy cập toàn bộ không gian làm việc từ bất cứ đâu, miễn là có Internet.
Thay vì quản lý phần cứng, các công ty có thể chuyển sang quản lý phần mềm.
Những lợi ích đổi lại là vô cùng to lớn. Thay vì phải mua, lắp ráp và quản lý những cỗ máy công sở, các công ty giờ chỉ cần phải trả tiền cho các ông lớn đám mây. Phần lớn những công việc cài đặt, cập nhật, tùy chỉnh, bảo mật phức tạp… giờ trở thành trách nhiệm của đám mây.
Còn với người dùng, một chiếc PC "trên mây" là một chiếc PC mà họ có thể mang đi bất cứ nơi đâu. Dùng iPad, dùng ChromeBook, dùng những chiếc PC từ cả 10 năm trước… chúng ta vẫn có thể truy cập vào đầy đủ không gian làm việc của mình, với những tài liệu, những phần mềm mà chúng ta cần. Chúng ta vẫn sẽ truy cập được vào hệ điều hành đầy đủ mà chúng ta sử dụng cho công việc hàng ngày, thông qua một trình duyệt (hoặc một ứng dụng client nhẹ ký). Với Desktop as a Service, trải nghiệm làm việc tại nhà và trải nghiệm làm việc tại công ty chỉ còn khác biệt duy nhất về chỗ ngồi mà thôi.