Sau vụ bê bối lộ thông tin của 50 triệu người dùng Facebook, hôm qua 24/3, giới chức Anh đã khám xét văn phòng công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica.
Cambridge Analytica là công ty có trụ sở tại London, có liên quan trực tiếp đến vụ bê bối của mạng xã hội Facebook trong những ngày gần đây mà cụ thể là doanh nghiệp này đã thu thập trái phép thông tin cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook để phục vụ mục tiêu chính trị.
Khoảng 20 giờ ngày 23/3 giờ địa phương (tức khoảng 3 giờ sáng 24/3 giờ Việt Nam), sau khi được lệnh của Tòa án cấp cao, 18 nhân viên thuộc văn phòng Ủy viên Thông tin Elizabeth Denham đã khám xét trụ sở của CA tại London trong vòng gần một giờ đồng hồ.
Trong một thông báo mới đưa ra, văn phòng của Ủy viên Denham cho biết, hoạt động khám xét này mới chỉ là bước đầu tiên của một cuộc điều tra quy mô lớn hơn nhằm vào hoạt động sử dụng thông tin cá nhân và các thông số phân tích phục vụ mục đích chính trị của công ty Cambridge Analytica.
Anh khám xét trụ sở của Cambridge Analytica sau vụ lộ thông tin của 50 triệu người dùng Facebook. Ảnh chỉ để minh họa. |
Hiện văn phòng này đang tiến hành thu thập, đánh giá các tư liệu thu được và cân nhắc mọi chứng cứ trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.
Cambridge Analytica hiện đang phải đối mặt với cáo buộc thu thập trái phép thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook nhằm phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016 của giới chức Anh. Nhưng công ty này đã bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời khẳng định rằng họ đã xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ ba vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.
Tuy nhiên, hôm 23/3 mới đây, Cambridge Analytica lại tiếp tục chịu thêm cáo buộc mới khi bị cho rằng, công ty này còn liên quan tới chiến dịch vận động bỏ phiếu quyết định đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016 (tức chiến dịch Brexit) sau khi Brittany Kaiser - cựu Giám đốc Kinh doanh Cambridge Analytica, đã tiết lộ việc công ty đã khảo sát số liệu cho "chiến dịch Leave. EU", và là một trong những nhóm vận động hàng đầu.
Liên quan đến vụ việc, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng đã chính thức thừa nhận vụ việc trên "đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng", và ông cũng gửi lời xin lỗi đến người sử dụng.
Facebook cho biết, họ sẽ có các biện pháp mới nhằm ngăn chặn việc các nhà phát triển ứng dụng hay các ứng dụng của bên thứ ba có thể tiếp cận thông tin của người sử dụng, đồng thời trao nhiều công cụ hơn cho khách hàng nhằm bảo vệ thông tin cá nhân.