Theo Sci-News, hai nghiên cứu thú vị mới đã xác định được "chân dung" 3 thủ phạm chính chuyên tấn công Trái Đất bằng thiên thạch.
Như nhiều nghiên cứu trước đó đã cho thấy, một nhóm thiên thạch gọi là chondrite chiếm khoảng 80% số thiên thạch từng lao xuống địa cầu, trong đó chủ yếu là L-chondrite và H-chondrite.
Chỉ hai loại thiên thạch này đã chiếm 70% số tảng đá không gian mà Trái Đất từng hứng chịu, bao gồm cả vụ việc gây ra kỷ băng hà tàn khốc 466 triệu năm trước.
Trong nghiên cứu thứ nhất dẫn đầu bởi TS Michael Marsset từ Đài thiên văn Nam Âu (ESO) và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), phương pháp định tuổi dựa trên đồng vị argon và xác định được tất cả thiên thạch L-chondrite rơi xuống Trái Đất đều có chung nguồn gốc.
Đó là một tiểu hành tinh va chạm với một vật thể khác với tốc độ siêu thanh cách đây khoảng 450-470 triệu năm trước và từ đó rải các mảnh vỡ của mình đi khắp nơi, bao gồm làm rơi xuống địa cầu.
Sự kiện này đã làm hình thành nên họ thiên thạch Massalia và cung cấp các mảnh vỡ thúc đẩy dòng thiên thạch ập vào.
Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai dẫn đầu bởi TS Miroslav Brož từ Đại học Charles (Czech) chỉ ra tất cả thiên thạch L-chondrite và H-chondrite liên quan đến 3 vụ vật thể không gian vỡ vụn khoảng 5,8; 7,6 và 40 triệu năm trước.
Trong đó, hai vụ gần hơn do các tiểu hành tinh thuộc hai họ Karin và Koronis gây ra, trong khi sự kiện 40 triệu năm liên quan đến một tiểu hành tinh Massalia già hơn.
Vật thể 40 triệu năm trước này hoàn toàn có thể là một phần của vật thể 450-470 triệu năm trước mà nghiên cứu thứ nhất chỉ ra.
Tất cả các vật thể này đều trú ngụ ở khu vực Vành đai tiểu hành tinh, nằm giữa quỹ đạo Sao Hỏa và Sao Mộc.
"Những phát hiện của chúng tôi cung cấp cái nhìn sâu sắc vào những bí ẩn xung quanh nguồn gốc của các thiên thạch phổ biến nhất từng va chạm với Trái Đất và cách những tác động đó có thể định hình nên lịch sử Trái Đất" - TS Brož và các cộng sự cho biết.
Các nghiên cứu nói trên vừa được đăng tải trên hai tạp chí khoa học Nature và Astronomy & Astrophysics .