Ở Trung Quốc, chính quyền đang đẩy mạnh việc sử dụng drone để nhắc nhở người dân chú ý vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi ra đường và hạn chế tụ tập ở những nơi công cộng. Còn ở Mỹ lại sử dụng robot để tiến hành khảo sát người dân về kiến thức xoay quanh những triệu chứng khi nhiễm phải coronavirus. Thế nhưng, nghe thì có vẻ hoành tráng vậy thôi chứ thực chất con robot này lại khá vô dụng, nếu không muốn nói là phản tác dụng và có thể khiến bệnh dịch lây lan nhanh hơn.
Cụ thể, vào ngày thứ 4 tuần trước (12/2), hãng Promobot đã cài đặt một mẫu robot cùng tên giữa quảng trường Thời Đại, thành phố New York, Mỹ. Nhiệm vụ của con robot này rất đơn giản: Hiển thị những câu hỏi liên quan đến coronavirus để người dùng trả lời, sau đó nó sẽ đưa ra kết luận xem họ có bị nhiễm bệnh hay không. Mục đích hoạt động tốt đẹp như vậy, thế nhưng tại sao người ta lại coi con robot này “chẳng được tích sự gì”?
Đầu tiên, mặc dù sở hữu thiết kế khá là hầm hố, nhưng về cơ bản, Promobot chỉ có 2 bộ phận chính: 1 chiếc iPad đóng vai trò làm màn hình, và những phần còn lại. Khi người dùng tham gia khảo sát, họ hoàn toàn chỉ làm việc với chiếc iPad mà thôi. Nói cách khác, nếu họ tháo rời chiếc iPad và mang ra ngồi ghế đá để trả lời câu hỏi thì cũng không có gì khác biệt cả. Toàn bộ phần thân mình của Promobot chỉ đóng vai trò làm giá đỡ, không có nhiệm vụ gì nhiều, khá là vô nghĩa. Tất nhiên là phần đèn LED hiển thị ngũ quan của nó cũng đáng yêu đấy, nhưng lại không có nhiều ảnh hưởng đến quá trình tiến hành khảo sát.
Phần đèn LED hiển thị ngũ quan khá đẹp mắt, nhưng cũng không đóng vai trò gì nhiều.
Lý do thứ 2 chính là bộ 4 câu hỏi mà Promobot đưa ra khá là hời hợt, không thực sự đi sâu vào chủng virus Covid-19. Những câu hỏi này bao gồm: “Bạn có bị sốt trong vòng 3 ngày trở lại đây không?”, “Bạn có bị ho khan không?”, “Bạn có bị đau đầu hay cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức không?”, “Bạn có cảm thấy buồn nôn hay bị tiêu chảy trong 7 ngày qua không?”. Và đương nhiên, người dùng sẽ chỉ có 2 lựa chọn “Có” hoặc “Không”, không thể bổ sung thêm bất cứ chi tiết nào khác. Tương tự, Promobot cũng chỉ đưa ra 2 kết luận: Bạn bình thường, không sao cả; hoặc bạn nên đi khám bác sĩ đi.
Thế là hết. Không có thêm bất cứ lời khuyên hay những chỉ định cần thiết nào khác. Những dấu hiệu trên hoàn toàn có khả năng đến từ những bệnh cảm cúm thông thường. Coronavirus cũng có thể xâm nhập vào cơ thể 1 thời gian (kéo dài đến 14 ngày), rồi mới bắt đầu gây ra những triệu chứng nêu trên. Vì thế, dù câu trả lời của bạn có toàn là “Không” đi nữa, thì cũng không thể đảm bảo Promobot bắt bệnh chính xác 100% được.
Bộ câu hỏi và kết luận mà Promobot đưa ra khá là chung chung, không có nhiều giá trị thực tiễn.
Và lý do cuối cùng, chính là việc sử dụng iPad để thực hiện bài khảo sát này. Giữa mùa bệnh dịch đang hoành hành như hiện nay, sẽ không có nhiều người đủ can đảm để sử dụng màn hình cảm ứng được phơi bày giữa chốn công cộng như vậy, đặc biệt là tại một nơi nhộn nhịp như quảng trường Thời Đại. Đã từng có những nghiên cứu chỉ rằng màn hình điện thoại, máy tính bảng thậm chí còn chứa nhiều vi khuẩn hơn cả bồn cầu, và có thể đóng vai trò trung gian truyền nhiễm nhiều loại bệnh khác chứ không riêng gì coronavirus. Ngoài ra, chiếc iPad mà Promobot sử dụng khá là lag và gây nhiều phiền toái.
Tóm lại, không ai nghi ngờ mục đích truyền bá thông tin đúng đắn về chủng virus Covid-19 của Promobot, nhưng cách mà họ thực hiện lại không thực sự hiệu quả cho lắm. Thay vì tiến hành khảo sát với những câu hỏi vô thưởng vô phạt, họ hoàn toàn có thể cung cấp thông tin chung về coronavirus, triệu chứng mắc bệnh, các biện pháp phòng ngừa, và cả những đường dây nóng để liên lạc khi cần thiết.
Theo Gizmodo