Vào ngày 9/2/2020, một đơn vị có tên Geosum International Global Investments Grup, cùng với đối tác của mình là Butterfly Global Investments Company, đã đăng ký bốn thiết kế điện thoại cho thị trường châu Âu. Các bằng sáng chế cũng được đăng ký và xuất bản trong cơ sở dữ liệu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Trong cả bốn thiết kế, chỉ có một hình ảnh sản phẩm được mô tả, và chúng giống hệt mặt sau của của loạt điện thoại dòng Galaxy S20 cũng như điện thoại gập Z Flip của Samsung. Có thể nói đây là các bản sao gần như chính xác của điện thoại gốc, chỉ thiếu các nút bấm vật lý ở hai cạnh bên. Ngoài ra, không có logo Samsung nào mà thay vào đó là logo Butterfly.
Loạt ảnh series Galaxy S20 của Samsung.
Loạt ảnh series điện thoại nhái thương hiệu Butterfly.
Có rất ít thông tin về các công ty như Geosum International Global Investments Grup và Butterfly Global Investments Company trên mạng Internet. Butterfly có địa chỉ ở Seycel, một quần đảo phía đông châu Phi, nơi đã bị Liên minh châu Âu đưa vào danh sách đen hồi đầu năm nay như một "thiên đường thuế" của các doanh nghiệp. Còn Geosum có trụ sở tại Madrid, Tây Ban Nha. Công ty này đã được đăng ký kinh doanh từ năm 2015, nhưng với nhiều hoạt động khác nhau từ xây dựng, buôn bất động sản cho đến xuất nhập khẩu và bán lẻ.
Ngày áp dụng các bằng sáng chế về thiết kế trên cũng là một câu chuyện thú vị. Bởi vì Samsung chính thức công bố các mẫu máy mới của mình vào ngày 11/2/2020. Nhưng theo giấy tờ, các bản sao này đã được đăng ký trước đó 2 ngày. Rõ ràng, đây là các hình ảnh rò rỉ sớm về thiết kế smartphone của Samsung và hai công ty này đã nhanh tay "cải biên" để sử dụng.
Z Flip và điện thoại gập Butterfly
Đây không phải là một câu chuyện kỳ lạ hay hiếm gặp. Một số bản sao của Samsung Galaxy S20 có thể được tìm thấy đang rao bán trên mạng Internet. Các thiết bị sao chép này thường trông giống hệt như bản gốc. Nhưng bên trong chúng sử dụng các linh kiện và phần cứng rẻ tiền hơn, nhằm giảm giá bán. Một bản sao của S20 Ultra có thể được mua với giá 260 USD, trong khi bản gốc có giá bán lẻ từ 1.350 USD.
Đối tượng khách hàng của loại sản phẩm sao chép này nhắm tới là những người có ngân sách hạn hẹp, không quan tâm tới chất lượng sản phẩm, nhưng lại muốn sở hữu một thiết bị trông như "hàng hiệu". Và rõ ràng, các sản phẩm loại này không có bảo hành, chúng cũng bị hỏng nhanh hơn hoặc đơn giản là không hoạt động tốt như người dùng mong muốn. Ví dụ như bạn sẽ không có nhiều việc để làm với một chiếc "Galaxy S20 Ultra" với dung lượng RAM 1GB.
Một mẫu S20 nhái được rao bán với giá 229 USD.
Đối mặt với vấn nạn này, người bị thiệt hại lớn nhất chính là Samsung. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc cũng chỉ có thể "ngậm bồ hòn làm ngọt", bởi điều quan trọng là các bản thiết kế hay đăng ký sáng chế có đủ đặc điểm riêng biệt.
Nên biết rằng các quy tắc liên quan đến luật sở hữu trí tuệ và luật thiết kế cũng khác nhau ở mỗi quốc gia. Ví dụ ở Hà Lan, một thiết kế mới sẽ được ghi nhận mà không cần quan tâm đối chiếu với các bằng sáng chế khác. Mỗi ứng dụng bằng sáng chế được cấp và đăng ký riêng. Và trong ví dụ trên, xét cụ thể thì các mẫu điện thoại giả mạo đâu có nút bấm như trên điện thoại gốc, tên gọi cũng khác nhau về lý thuyết.
Ngành công nghiệp làm đồ giả đang trở nên ngày càng bành trướng theo thời gian, đặc biệt là ở châu Âu. Năm ngoái, Cơ quan Sở hữu trí tuệ châu Âu (EUIPO) đã xuất bản một báo cáo đánh giá các tác động của vi phạm bản quyền và hàng giả. Riêng tại khu vực này, ảnh hưởng của các sản phẩm giả đối với việc bán điện thoại thông minh là không dưới 8,3%. Ở Tây Ban Nha tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, vào khoảng 10%.
Và các sản phẩm phổ biến chỉ đơn giản là con mồi. Do đó, luôn luôn nên mua các sản phẩm điện tử của bạn từ một nhà bán lẻ có danh tiếng. Và nếu smartphone bạn định chọn có giá rẻ hơn đáng kể so với dự kiến, hãy luôn cảnh giác.
Riêng với Samsung, công ty này cung cấp tùy chọn để "Định vị cửa hàng" trực tuyến, giúp khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy tất cả các điểm bán hàng được ủy quyền trong khu vực của mình.