Cụ thể, theo báo cáo được CNBC đưa ra, tính đến ngày 15/5 vừa qua, giá trị vốn hóa thị trường của nhà phát triển Zoom đã tăng vọt lên 48,8 tỷ USD. Con số trên thậm chí còn vượt qua tổng giá trị 46,2 tỷ USD trong cùng thời điểm của 7 hãng hàng không thuộc Top đầu thế giới là Southwest Airlines, Delta Airlines , United Airlines, American Airlines, bên cạnh các hãng International Airlines Group (Anh), Lufthansa (Đức) và Air France (Pháp).
Sự tăng vọt về giá trị vốn hóa thị trường của Zoom cũng song hành với lượng người dùng tăng nhanh từ con số 10 triệu vào tháng 12/2019 nay đã lên tới 300 triệu người vào tháng 4/2020.
Đưa ra nhận định về sự phát triển trên của Zoom, các chuyên gia cho rằng thành công này chủ yếu nhờ vào chính dịch bệnh COVID-19 vốn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới buộc chính phủ các nước phải cách ly, hạn chế các hoạt động đông người như học tập, họp hành, chính bởi vậy nhu cầu học trực tuyến, họp trên mạng tăng cao. Trong khi đó, Zoom với giao diện đơn giản, trải nghiệm người dùng dễ sử dụng, cùng khả năng kết nối lên tới 100 người cùng một lúc giúp nhà phát triển này dễ dàng tiếp cận số đông người dùng phổ thông.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng sự phát triển này không thực sự bền vững bởi ứng dụng Zoom thời gian qua liên tiếp bị điểm tên vào hàng loạt bê bối bảo mật như việc bị tin tặc tấn công thẳng vào giữa các cuộc họp và để lại những hình ảnh, video dung tục. Ngoài ra, Zoom cũng bị cho rằng có hành vi gửi dữ liệu của người dùng về các máy chủ đặt tại quốc gia khác khiến nguy cơ lộ lột thông tin với bên thứ ba là điều có thể xảy ra.
Người dùng công nghệ hiện nay vốn rất quan tâm đến vấn đề bảo mật dữ liệu cũng như an toàn an ninh mạng bởi vậy nếu Zoom không có sự thay đổi tích cực thì sự đào thải không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra và Zoom khó mà tồn tại trước sự ganh đua của hàng loạt đối thủ công nghệ khác.