Phải lòng cô gái Việt mặc áo dài, chàng trai Hà Lan lặn lội nửa vòng trái đất, chạy theo tiếng gọi con tim. Để rồi trót 'phải lòng' Sài Gòn, anh chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, với tiệm xúc xích nướng đông nghịt khách.
Hạnh phúc của cặp đôi Việt - Hà Lan càng vẹn tròn khi vừa đón một "thiên thần" nhỏ - Ảnh: HOÀI NHÂN
Tình yêu từ một bức ảnh
Câu chuyện tình yêu của chàng Tây nàng Việt kể ra cũng khá… “bắc cầu”. Lần nọ, một người bạn của Clifford Alexander Van Toor (43 tuổi, người Hà Lan) đưa anh xem bức hình chụp chung với một cô gái Việt trong một cửa hàng áo dài ở Q.1 (TP.HCM). Kèm theo đó, anh bạn còn giới thiệu về phụ nữ Việt, về Sài Gòn sôi nổi và hiếu khách và còn nói Clifford nhất định phải đến một lần trong đời.
Cô gái ấy là Phạm Thị Lan Trinh (35 tuổi, ngụ Q.7), nhân viên cửa hàng áo dài mà người bạn Clifford đã ghé thăm. “Mỗi ngày, mình đều mặc áo dài để đón khách, chào hàng các sản phẩm. Ở khu vực trung tâm thành phố, có nhiều người ngoại quốc xin chụp ảnh cũng là điều dễ hiểu mà. Nhưng không ngờ là tấm ảnh ấy lại đưa mình lọt vào “mắt xanh” của chàng Tây kia”, chị Trinh kể lại.
Clifford nhìn bức ảnh, đột nhiên thấy như trúng phải tiếng sét ái tình! Trong ảnh là một cô gái Việt mặc chiếc áo dài thướt tha, nụ cười tỏa nắng. “Thế là mình mò lên Facebook để tìm cho được cô gái này. Mà như duyên số ấy, không những tìm được mà mình và Trinh còn nói chuyện rất hào hứng, trước hết vì vốn tiếng Anh cô ấy rất tốt”, Clifford nói.
Chàng Tây cao to trót phải lòng cô gái Việt nhỏ nhắn mặc áo dài chỉ qua một bức ảnh - Ảnh: NVCC
Chị Trinh quyết định vượt khỏi vòng an toàn của mình để mạo hiểm cùng cuộc sống mới - Ảnh: HOÀI NHÂN
Chị Trinh cảm nhận được Clifford là một người rất thật thà và đơn giản. Anh chẳng ngại ngần thừa nhận cuộc sống chật vật của mình khi mẹ mất từ lúc anh còn nhỏ xíu, bố đi thêm bước nữa. Anh chỉ là một công nhân làm trong nhà máy sản xuất thép ở Hà Lan. Những câu chuyện gia đình, văn hóa, lối sống,… hun đúc dần nên một tình yêu cách xa hơn nửa vòng trái đất.
Một năm thấm thoắt trôi qua, Clifford quyết định làm chuyến đi sang bên kia bán cầu, theo tiếng gọi của con tim. “Chẳng khó khăn để nhận ra Trinh vì cô ấy mặc đúng bộ áo dài như tấm ảnh mình từng thấy. Lần đầu tiên gặp mà mình có cảm giác thân quen như đã yêu nhau rất lâu rồi. Năm 2016, tụi mình quyết định về chung một nhà”, Clifford bẽn lẽn kể về những ký ức khó quên.
Chồng Tây vợ Việt bán xúc xích vỉa hè
Tìm thấy tình yêu của đời mình, Clifford dần yêu luôn Sài Gòn, yêu luôn đất nước hình chữ S bình yên và xinh đẹp. Anh quyết định từ bỏ tất cả để ở lại Việt Nam, lập nghiệp và chăm sóc cho người con gái anh yêu. Nhưng những khởi đầu mới thường chẳng dễ dàng gì.
Mình thích nhất là cà pháo mắm tôm, hóa ra nó ngon tuyệt chứ không ghê như mình từng nghĩ.
“Trong căn phòng thuê vỏn vẹn 25 mét vuông, dùng hết số tiền dành dụm, mình vẫn chưa tìm được công việc phù hợp để làm, thật tồi tệ… Nhưng Trinh không bỏ mặc mình, cô ấy ở cạnh động viên mình rất nhiều! May mắn, mình được một người bạn Đức chia sẻ về nghề bán xúc xích. Sau khi tâm sự với vợ, cô ấy cũng đồng ý cho mình làm công việc mới này”, Clifford chia sẻ.
Căn phòng trọ nhỏ xíu Clifford thuê bấy giờ ở cũng là nơi diễn ra nghi lễ phía nhà trai - Ảnh: NVCC
Một đám cưới bình dị nhưng đầy niềm tin - Ảnh: NVCC
Chị Trinh rất lo lắng khi để chồng “lạ nước lạ cái” làm lụng giữa thành phố xô bồ, trong khi anh chẳng hề biết tiếng Việt. Vậy là chị bỏ luôn công việc ổn định của mình, cùng chồng Tây… ra vỉa hè bán xúc xích. Hình ảnh chàng Tây cùng vợ chở lỉnh kỉnh đồ đạc, chảo, lò, bánh mì, xúc xích… đứng trước sân vận động Hoa Lư (Q.1) khiến nhiều người thích thú, chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Ấy là chưa kể món xúc xích Đức thơm ngon với nhiều biến tấu còn khiến người ăn bị "mê hoặc".
“Mỗi ngày, 4 giờ sáng là Clifford một mình lục đục dậy chuẩn bị bánh mì, xúc xích các thứ rồi, vì muốn để cho mình ngủ thêm một chút. Ảnh luôn nói vì ảnh mà mình đã từ bỏ công việc, để đi bán rong nắng gió vất vả thế này, nên ảnh làm được gì cho mình đỡ cực là nhất định phải làm. Người ta nói lấy chồng Tây vì được sướng, giàu, nhưng mình ở bên Clifford vì anh rất chân thành, luôn cố gắng làm một người đàn ông đủ vững chãi trụ cột gia đình”, chị Trinh tự hào.
Được vợ sát cánh, chàng Tây khởi nghiệp với xe xúc xích lề đường... - Ảnh: NVCC
.. và thành công với tiệm xúc xích đông nghịt khách - Ảnh: HOÀI NHÂN
"Kẹt xe... dạy mình tính kiên nhẫn"
Tròn 5 năm ở Sài Gòn, Clifford chia sẻ, nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của anh. Anh yêu Sài Gòn, yêu Việt Nam, dù có những điều rất tuyệt vời và có cả những thứ anh nghĩ cần thay đổi.
“Việt Nam mến khách và dễ thương, nhất là con người vùng quê mình gặp trong các chuyến đi miền Tây sông nước. Đến khi Trinh đưa mình về nhà, mình lại “phải lòng” ba mẹ cô ấy. Ông bà vui tính lắm, thương mình, lại nấu cho mình hết món này đến món khác. Mình thích nhất là cà pháo mắm tôm, hóa ra nó ngon tuyệt chứ không ghê như mình từng nghĩ”, Clifford hào hứng.
Quen với lối sống tự lập nên Clifford khá ngạc nhiên về cách sống quây quần trong một nhà của nhiều thế hệ. Anh hỏi vợ: “Cả gia đình sống chung như thế không sợ chật sao, không sợ mất sự riêng tư sao?”. Chị Trinh dần giải thích cho anh, rằng người Việt có phần thiên về tình cảm, sống cạnh nhau để đỡ dần, chăm sóc cho nhau. Nhiều ba mẹ vẫn lo lắng cho con đến tận khi có vợ có chồng. Clifford thích nghi rất nhanh và có những cảm nhận mới mẻ với cuộc sống quê vợ, khiến anh càng gắn bó với nơi này.
Clifford chọn Việt Nam không chỉ vì vợ, mà còn vì tình yêu cuộc sống và văn hóa nơi này - Ảnh: NVCC
Thế nhưng, Clifford cũng thành thật chia sẻ, có những điều sẽ khiến Sài Gòn “mất điểm” với bạn bè quốc tế, và ảnh hưởng đến chính cuộc sống người dân nơi đây.
“Môi trường khá ô nhiễm. Người ta thường xuyên xả rác trên đường, vứt cả xuống sông khiến nước trở nên đen ngòm và bốc mùi. Thêm nữa, người dân sử dụng bao ni lông quá nhiều, gần như mọi lúc mọi nơi. À, còn lúc mới đặt chân đến Việt Nam, ấn tượng đầu tiên của mình là… kẹt xe. Mình vẫn nghe đó là “đặc sản” của Sài Gòn, nhưng không ngờ lại kinh khủng vậy! Dần thì cũng quen, có thể nó còn dạy mình tính… kiên nhẫn nữa!”, Clifford pha trò.
Anh cũng kể một số câu chuyện nơi mình sinh ra. Ở Hà Lan, mỗi căn hộ đều có 2 thùng rác, một thùng chứa rác không thể tái chế, một thùng ngược lại. Thêm nữa, người ta sẽ bị phạt rất nặng nếu vứt một mảnh rác dù rất nhỏ ra đường. Đồ dùng nhựa cũng đã được thay thế bằng sản phẩm tự nhiên, thân thiện với môi trường. Rất nhiều cửa hàng bán nước, sau khi khách uống xong có thể mang vỏ chai trả lại và nhận ngay một số tiền cho hành động đó.
“Nhưng dù sao, mình vẫn ở đây, vẫn “mê” Sài Gòn và Việt Nam. Vì sao ư? Vì mình rất tin quê hương thứ hai của mình sẽ ngày càng tốt hơn trong một tương lai gần. Và đơn giản, vì nơi này có gia đình nhỏ của mình mà”, Clifford cười.