‘Không vào đại học, con trai tôi chọn học nghề để ra trường lương 30 triệu/tháng

Học đại học hay học nghề? Nên chọn hướng đi nào khi mà tỉ lệ sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành ngày càng tăng cao như hiện nay đó là câu hỏi mà không ít học sinh và phụ huynh chưa tìm được câu trả lời

Chị Hoàng Bích Ngọc (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “ Làm bố, làm mẹ au cũng muốn con mình bước chân vào cánh cổng trường đại học và kiếm được một ngành nghề danh giá và đáng theo đuổi.

Nhưng với vợ chồng tôi thì khác, miễn là con thích còn ngành nghề nào cũng được và học đại học hay học nghề không quan trọng bằng niềm đam mê của con”.

Chị Ngọc tâm sự: “Năm 2010, con trai tôi thi trượt ĐH Bách khoa Hà Nội khoa cơ khí chế tạo máy. Thất bại đầu tiên trước ngưỡng cửa quan trọng, mấy ngày liền thằng bé giam mình trong phòng làm vợ chồng tôi hết sức lo lắng.

Tôi động viên con, còn đỗ nguyện vọng 2 vào trường đại học khác, con có thể lựa chọn không nhất thiết phải Đại học Bách khoa mới mang đến cho con thành công. Rồi không hiểu sao, trong vòng “một nốt nhạc” thằng bé nói không học đại học mà đi học nghề khiến cả hai vợ chồng tôi đều sững sờ nhưng tôi vui vẻ đồng ý. Bởi lẽ, với tôi đại học không quan trọng bằng niềm vui và sự đam mê của con.

Nghề hàn vẫn thiếu nhiều lao động chất lượng cao (ảnh minh họa)

Con tôi chọn học ngành Cơ khí – hàn tại một trường cao đẳng nghề có tại Thường Tín – Hà Nội. Là cậu bé chăm chỉ, chịu khó, ham học hỏi cộng thêm với năm 2013 là thời điểm ngành hàn đang rất hot nên vừa ra trường thằng bé đã được một doanh nghiệp nhận ngay với lương khởi điểm 15 triệu.

Sau đó, công ty tạo điều kiện cho đi học bằng 4G (hàn trên trần và kết cấu tấm ngang. Dự án vào thời kỳ cao điểm, doanh nghiệp này sẵn sàng chi 30 triệu/tháng để trả lương cho con tôi. Đến thời điểm hiện tại, thằng bé đã học xong bằng 6G (hàn ống – mức hàn được đánh giá cao nhất) và lương không khi nào dưới 30 triệu/tháng”.

Một lãnh đạo trường Cao đẳng nghề số 1 (Bộ Quốc phòng) cho hay: “Nghề hàn luôn là một trong những nghề có tỷ lệ có việc làm cao nhất sau đào tạo. Tuy nhiên, số lượng người đăng ký học những ngành liên quan đến hàn tại các trường CĐ, trung cấp vẫn chưa cao.

Có lẽ lí do là vì hàn là một nghề có môi trường làm việc nặng nhọc, vất vả vì phải tiếp xúc với các tia lửa hại mắt, khói độc…Tuy nhiên, với công nghệ hiện nay thì việc tiếp xúc với tia lửa và khói theo tôi không phải vấn đề đáng ngại vì đều có biện pháp phòng chống.

Cách đây 5 năm hàn đã là một nghề vô cùng đắt giá nhưng một thực tế là ít nơi đào tạo và cũng ít người học, đế nay nguồn nhân lực chất lượng cao của nghề hàn vẫn chưa hết sốt.

Mức lương của lao động có tay nghề 5G, 6G luôn được doanh nghiệp tìm kiếm và có những chế độ đãi ngộ cao, trả trung bình là 1 triệu đồng/ngày. Có những dự án chất lượng cao, các doanh nghiệp có khi phải tranh giành thợ hàn, trả lên tới 1,5 – 2 triệu đồng/ngày là hết sức bình thường”.

Có thể nói, đại học là con đường dẫn đến thành công, chúng ta không phủ nhận điều đó nhưng thực tế nó không phải là con đường duy nhất, sẽ còn có những con đường khác tốt hơn nếu như bạn biết đam mê, mục tiêu của bản thân và vạch ra đúng lộ trình tương lai của mình.

Trong bối cảnh hội nhập xã hội hiện nay, khi các nhà đầu tư nước ngoài đua nhau vào Việt Nam với những dự án khủng, để phát triển những công trình này, họ luôn ưu tiên tìm kiếm cho công ty mình những nhân tài có năng lực làm việc và kỹ năng. Có rất nhiều người trẻ học đại học ra không làm được việc gì nhưng cũng có nhiều người không học đại học vẫn có thể thành công và học nghề là một lựa chọn không tồi.

 Theo: TinTaynguyen