10 địa điểm trên Trái Đất trông chả khác cánh cổng dẫn vào địa ngục

Trong khi các nhà khoa học tranh luận về những nơi này, thì khách du lịch chỉ cần đến đó để có được một bức ảnh đẹp.

Trái Đất của chúng ta luôn có rất nhiều những cảnh quan kỳ vĩ đến kinh ngạc mà nếu không nhìn thấy chúng ta khó có thể tưởng tượng ra được. Bên cạnh những nơi cao chót vót khiến người ta hình dung đến lối lên thiên đường, cũng có những nơi ăn sâu hun hút vào trong lòng đất mà bất kỳ ai cũng sẽ cảm tưởng như mình bị lòng đất nuốt chửng khi nhìn vào đó.

Darvaza (Cổng Địa Ngục), Turkmenistan

Hố lửa có đường kính 61m và sâu 20m này lại là sản phẩm do con người tạo nên. Năm 1971, người ta cho khoan khu đất này và chẳng may dẫn đến việc sạt lở đất. Khí gas tự nhiên rò rỉ ở vùng đất bị tổn thương. Để tránh tổn hại cho người dân địa phương, họ đã châm lửa nhằm đốt hết chúng. Người ta ước tính nó sẽ cháy trong vòng một đến hai ngày. Nhưng không, ngọn lửa vẫn bập bùng cho đến tận ngày nay, tức gần 50 năm kể từ khi nó được hình thành.

Giếng St. Patrick’s, Orvieto, Italy

Giếng nước sâu hoắm và cầu kỳ này được xây dựng vào năm 1527 dưới sự bảo trợ của Nhà thờ sau khi Giáo hoàng Clement VII rời bỏ thành Rome và định cư ở Orvieto. Trong suốt thời gian Orvieto bị bao vây, giếng này trở thành nguồn cung cấp và nơi vận chuyển nước chủ yếu của cả khu vực. Nước được lấy trực tiếp từ giếng và vận chuyển qua đường hầm bên trong để đến được pháo đài Albornoz.

Miệng núi lửa Yasur, đảo Vanuatu

Yasur là một ngọn núi lửa hiện vẫn hoạt động trên đảo Vanuatu. Vụ phun trào cuối cùng của nó diễn ra vào năm 2017. Các bộ lạc bản địa truyền nhau rằng đây là nơi cư ngụ của một vị thần cổ đại. Để tránh chọc giận đến thần linh, thổ dân rất hiếm khi bén mảng đến gần ngọn núi lửa, chỉ có các pháp sư và các bô lão trong làng mới được phép tới đó khi có chuyện cần thiết.

Big Hole ở Kimberley, Nam Phi

Big Hole là một mỏ kim cương lớn tại Kimberley, Nam Phi và hiện đã dừng hoạt động. Đây chính là nơi viên kim cương nổi tiếng thế giới De Beers với trọng lượng 428,5 ca-ra được tìm thấy. Một điều đáng ngạc nhiên khác ở mỏ kim cương này là trong quá trình khai thác, người ta đã tự đào được một cái hố khổng lồ, sâu hoắm và dựng đứng như hình mà không cần bất kỳ thiết bị cơ khí hạng nặng hay công nghệ nào.

Hố Great Blue, rạn san hô Belize

Hố đại dương khổng lồ và gần như tròn tuyệt đối với đường kính 305m và chiều sâu 122m này hoàn toàn là sản phẩm của tự nhiên. Địa điểm thu hút rất nhiều thợ lặn tò mò về sự bí ẩn của nó đến khám phá. Nhiều người đã đến đây và không trở lại. Thậm chí người ta còn gọi cái hố là "nghĩa trang của các thợ lặn". Bất chấp điều đó, các nhà thám hiểm vẫn đến rạn san hô tuyệt đẹp này với mong muốn được chiêm ngưỡng thế giới bên trong nó.

Tháp đảo ngược ở Masons, Bồ Đào Nha

Tháp đảo ngược này thực chất là một cái giếng khổng lồ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 tại Sintra, một thị trấn của Bồ Đào Nha. Người dân nơi đây xem nó là một nơi linh thiêng, là nơi chuyển tiếp, giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối. Các bậc thang xoắn ốc xung quanh tượng trưng cho đường đi lên thiên đường hoặc xuống địa ngục của các linh hồn. Kích thước của tháp khá ấn tượng, có thể chứa được một tòa nhà 10 tầng.

Đập tràn của một hồ thủy điện, Bắc California

Hố nhân tạo khổng lồ này được xây dựng cách đây 50 năm, có khả năng xả xuống hàng nghìn lít nước chỉ trong vòng vài giây. Tuy đơn giản và không có gì cầu kỳ nhưng hố nhân tạo này lại mang một vẻ đẹp mê mẩn, hút hồn nhiều khách tham quan.

Động Er Wang Dong, Trung Quốc

Một nhóm nhà thám hiểm đã phát hiện ra hệ thống hang động đồ sộ này. Nó có hẳn một hệ sinh thái riêng biệt bên trong với những sinh vật kỳ lạ mà ta không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh. Du khách thậm chí còn có thể đắm mình trong sương mù hoặc chứng kiến mây hình thành như thế nào bên trong hang động.

Hang động Eisriesenwelt, Áo

Hang động này nằm ở độ cao hơn 1500m. Tên của nó có nghĩa "thế giới của những người băng khổng lồ". Đây được xem là hang động băng lớn nhất thế giới với chiều dài gần 42km và sâu gần 400m. Trước đây để tới được hang động, các nhà thám hiểm sẽ phải leo bộ 1500m. Tuy nhiên, ngày nay người ta đã cho xây dựng hệ thống cáp treo giúp du khách có thể tới không gian hun hút, tuyệt mỹ này chỉ trong vòng vài phút.

Hang động Cerro Sarisariñama, Venezuela

Ở Venezuela có rất nhiều những ngọn núi cao chót vót với phần chóp bằng phẳng mà khi xưa chúng là các cao nguyên rộng lớn. Hàng trăm năm trước, nhiều vụ sụt lở đất đã biến các ngọn núi này thành những hang động khổng lồ cách ly với thế giới bên ngoài, mà lớn nhất là ở núi Sarisariñama, bang Bolívar, Venezuela. Bên trong hang động tồn tại hệ sinh thái riêng biệt, thậm chí có rất nhiều cây lớn sinh sôi. Cảnh quan nơi đây khiến người ta liên tưởng đến một âm phủ thực sự.

MỤC LỤC [Hiện]