Đề thi Toán năm nay gồm 50 câu bao trọn kiến thức Toán lớp 12 và một phần của lớp 10 và 11. Sau đây là 10 điều cần lưu ý khi ôn thi môn Toán cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.
Thay vì cho đồ thị hàm số thì đề thi năm nay sẽ đề cập đến đồ thị của đạo hàm hàm số đó hoặc đường tiệm cận và được hỏi thông qua rất nhiều dạng. Thế nên bạn phải xem xét mỗi chuyên đề lớn có những vấn đề nhỏ nào, ở những vấn đề đó có những loại câu hỏi thông thường nào, những câu hỏi lạ thường phát triển theo hướng nào... Từ đó có thể thiết lập ma trận các dạng câu hỏi cũng như độ khó cho từng mảng kiến thức.
2. Học kỹ lý thuyết
Đề thi luôn có vài câu kiểm tra lý thuyết, ngay cả những chi tiết rất nhỏ cũng có thể được đề cập đến và các phương án gây nhiễu thường nhắm đến những sai lầm của các thí sinh nắm chắc lý thuyết. Vì thế bạn phải học kỹ các định nghĩa, khái niệm, công thức, định lý cũng như các tính chất có trong SGK.
3. Nắm vững bản chất và các điều kiện của một mệnh đề
Bạn cần tìm hiểu sâu để nhận ra bản chất của các định lý, công thức cũng như các khái niệm Toán học, từ đó phát hiện thêm các biến thể của nó. Ví dụ như công thức tính thể tích khối lăng trụ còn được coi là "Diện tích thiết diện thẳng nhân với cạnh bên".
Ngoài ra, các phương án gây nhiễu mang nội dung gần giống với các mệnh đề đúng nhưng điều kiện thay đổi cũng thường thấy. Bạn phải nắm chắc các điều kiện phải có để một mệnh đề Toán học là đúng.
4. Chú ý đến ứng dụng thực tế của một số khái niệm Toán học
Hãy xem kỹ phần ý nghĩa hình học, vật lý và ứng dụng thực tế của một số khái niệm Toán học trong chương trình, kể cả phần đọc thêm. Những bài toán dạng này không khó nhưng đòi hỏi linh hoạt trong cách giải.
5. Nhớ ôn lại kiến thức lớp 10, 11
Chương trình Toán lớp 12 đa phần liên thông đến nhiều kiến thức Toán lớp 10 và 11. Chỉ còn một số phần cần ôn lại như bất đẳng thức, hình học giải tích trong mặt phẳng, đại số tổ hợp, xác suất, cấp số, dãy số... Lưu ý trong đề thi năm nay phần cơ bản (để đạt điểm trung bình) có đến 3 câu liên quan đến lớp 11.
6. Tìm hiểu thêm một số công thức và tính chất khác
Bạn cần thu thập thêm các công thức và tính chất mà SGK không đề cập nhưng rất hữu ích để làm trắc nghiệm. Ví dụ như các công thức liên quan đến cực trị của đồ thị hàm số, công thức tính bán kính mặt cầu ngoại tiếp hình chóp... Nhiều bài toán dài và khó đã được giải quyết nhanh chóng nhờ các công thức như vậy.
7. Đừng phụ thuộc quá nhiều vào máy tính!
Có rất nhiều cách đặt câu hỏi hoặc tham số hóa một bài toán để không phụ thuộc vào máy tính. Lạm dụng quá nhiều vào việc bấm máy mà quên cách làm là điều nên tránh.
Đôi khi cũng có một số câu cần dùng máy tính để giải nhưng giải trực tiếp còn nhanh hơn. Ngoài ra, có một số bài toán muốn bấm máy thì cũng phải hiểu được bản chất toán học của nó.
8. Không nên quan tâm đến các bước giải của một bài toán
Không cần thực hiện chi tiết từng bước giải cho một bài toán, chúng có thể giữ lại ở trong đầu và không cần viết ra, chỉ cần viết lại những ý chính để làm cơ sở cho các tính toán và suy luận. Ví dụ, lập bảng biến thiên của hàm số thì chỉ cần lấy đạo hàm và xét dấu đạo hàm của hàm số đó, các chi tiết khác như tập xác định, giới hạn, nghiệm của đạo hàm không cần viết ra vì nó được thể hiện đầy đủ trong bảng biến thiên.
9. Chú ý những sai lầm thường gặp
Những sai lầm thường gặp phải khi đi thi là: Đọc không kỹ đề, hoặc nhầm lẫn giữa các khái niệm. Ví dụ đề yêu cầu tìm mệnh đề sai nhưng theo quán tính lại tìm mệnh đề đúng, hoặc giá trị cực trị của hàm số lại nhầm lẫn với điểm cực trị của hàm số; Đem kết quả trong trường hợp đặc biệt để kết luận cho trường hợp tổng quát là không đúng hoặc nhẩm được nghiệm nguyên của phương trình nhưng không thể kết luận được số nghiệm của phương trình đó.
Ngoài ra, bạn cũng cần tránh các lỗi: Không đặt điều kiện, hoặc đặt điều kiện không đúng dẫn đến thừa hoặc thiếu đáp số; Không xét hết các trường hợp có thể xảy ra đối với bài toán mang tham số; Làm theo thói quen mà không để ý đến những điều kiện tồn tại của định lý sẽ dẫn đến những sai lầm...
10. Nhớ các kỹ năng làm bài thi
Cần có mức độ dễ thể hiện trong 20 câu đầu, trong đó đề chỉ yêu cầu tái hiện các kiến thức cơ bản và có nhiều câu chỉ đòi hỏi kiểm tra công thức, kể cả các công thức liên quan đến lớp 10 và 11. Vì vậy, cần đánh giá nhanh câu dẫn để loại bỏ ngay các phương án sai, hoặc thấy ngay phương án đúng.
Trong 10 câu tiếp theo, bạn cần kết hợp một số kỹ năng giải toán và đối với các câu cần tính toán, có thể lấy kết quả của phương án thay vào câu hỏi. 20 câu sau ở mức độ khó dần để phục vụ tuyển sinh và cần hiểu rằng, trong quãng thời gian còn lại, làm đúng tất cả các câu trong phần này là điều quá khó. Bởi vậy, phần này bạn nên làm thành nhiều lượt.
Trước hết, bạn hãy làm các dạng câu đã được chuẩn bị tốt ở nhà, sau đó dành thời gian cho các câu còn lại và không nên dừng quá lâu cho một câu hỏi nào đó. Trong quá trình làm bài thi môn Toán trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nếu không nhận ra phương án đúng thì nên sử dụng phương pháp loại trừ để biết chỗ không hợp lý nếu có trong mỗi phương án. Một số câu mang tính tổng quát thì chuyển về dạng đặc biệt để giải.
Theo Tuổi Trẻ
Chấm thi THPT Quốc gia: Tìm hoài không thấy điểm 10 môn Toán