Ban quản lý vịnh Hạ Long và 15 đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ thỏa thuận, từ 1/8 sẽ bắt đầu triển khai việc chấm dứt dùng chai nhựa đựng nước, cốc nhựa, ống hút nhựa, túi nilon… để “cứu” vịnh Hạ Long.
Đó là một phần nội dung được đưa ra trong cuộc họp "Phát triển các sản phẩm du lịch có sự tham gia của người dân địa phương và bảo vệ môi trường trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long" do Ban Quản lý vịnh Hạ Long tổ chức ngày 18/7 trước đó.
Ông Phạm Đình Huỳnh – Phó trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết, để giải quyết câu chuyện rác trên vịnh Hạ Long, cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị liên quan, nhưng trước hết phải bắt đầu từ đội tàu du lịch và các đơn vị kinh doanh dịch vụ.
"Chúng tôi chọn 15 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tàu du lịch, kinh doanh dịch vụ du lịch xuồng cao tốc, kayak, đò chèo tay trên vịnh Hạ Long làm trước. Họ đã đồng ý từ 1/8 sẽ không sử dụng chai nhựa đựng nước, túi nilon… Như vậy, ít nhất từ thời điểm đó, mỗi ngày sẽ không còn khoảng 5.000 chai nước và 5.000 khăn giấy ướt được phát cho du khách như trước đây và chấm dứt được một nguồn nguy cơ gây ô nhiễm lớn", ông Huỳnh cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, để tiếp tục phục vụ du khách tốt, các đơn vị sẽ thay thế nước đóng chai bằng các bình nước lớn cố định và mỗi du khách sẽ được phát một cái ly được làm bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường ; khăn giấy ướt sẽ được thay thế bằng khăn vải và sẽ được thu lại sau khi dùng.
Trong tương lai, Ban quản lý vịnh Hạ Long và các doanh nghiệp sẽ nghiên cứu giúp ngư dân sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường (túi giấy, các chế phẩm sinh học dầu gội, sữa tắm, nước rửa bát…), cung cấp lại cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên vịnh.
Theo số liệu từ cơ quan chức năng, trung bình hàng năm, số rác thu gom được trên vịnh Hạ Long là hơn 1.000 tấn. Trong nửa đầu năm 2019, đơn vị này đã gom và xử lý hơn 573 tấn rác từ các vùng ven biển và ngoài khơi của vịnh, hầu hết là đồ nhựa như vỏ chai lọ, túi nilon, phao xốp.
Tuy nhiên không riêng gì Hạ Long, rác thải nhựa đang làm Việt Nam "mất điểm" với khách du lịch. Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thống kê, năm 2018, Việt Nam đã thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa không được xử lý, chiếm gần 6% lượng rác nhựa trên thế giới. Tính riêng lượng rác thải nhựa ra biển, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong năm qua, ở mức 0,28 – 0,73 triệu tấn, khiến tình trạng ô nhiễm ở Việt Nam ngày càng nguy cấp.