2 lần đến ngân hàng để tất toán sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, cụ ông liên tục bị nhân viên ngân hàng làm khó, còn gọi cả cảnh sát đến làm việc

Cụ ông này bị nhân viên ngân hàng yêu cầu phải đưa ra được lý do chính đáng mới được phép rút tiền.

Nhân viên ngân hàng làm khó khách rút tiền tiết kiệm

Chiều ngày 10/2/2021, cảnh sát Hồ Bắc, Trung Quốc nhận được cuộc gọi của ngân hàng địa phương thông báo về việc phát hiện một khách hàng đến trụ sở đòi rút tiền tiết kiệm nhưng có những biểu hiện bất thường. 

Cảnh sát Hạo Nhiên - người phụ trách ca trực ngày hôm đó đã nhanh chóng có mặt. Theo đó, sáng sớm cùng ngày, ông Vương (75 tuổi) đến ngân hàng địa phương và yêu cầu tất toán toàn bộ số tiền trong cuốn sổ tiết kiệm đã gửi cách đây 5 tháng. Sau đó, người này muốn chuyển khoản tiền vào một số tài khoản khác. 

2 lần đến ngân hàng để tất toán sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, cụ ông liên tục bị nhân viên ngân hàng làm khó, còn gọi cả cảnh sát đến làm việc- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Vì chỉ còn khoạ oảng 1 tháng nữa là đến hạn, giao dịch viên khuyên ông Vương không nên tất toán vì sẽ lãng phí khoản lãi. Thay vào đó, ông nên mượn tạm của người thân. Song bất chấp việc mất toàn bộ khoản lãi nhận được vào cuối kỳ tiết kiệm, cụ ông kiên quyết đòi rút tiền.   

Vì tò mò, nữ nhân viên này đã hỏi ông lý do. Ban đầu, ông tuyệt nhiên không chia sẻ thông tin gì. Câu duy nhất mà ông nói là thúc giục nhân viên ngân hàng nhanh chóng thực hiện rút tiền theo yêu cầu. Tuy nhiên, nữ giao dịch này khẳng định từ chối giao dịch nếu khách hàng không đưa ra được lý do chính đáng. 

Cảm thấy bị làm khó, ông Vương từ chối giao dịch và ra về. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều cùng ngày, nữ nhân viên ngân hàng lại thấy người đàn ông này quay lại trụ sở. Vẫn giữ quy tắc ban đầu, người này yêu cầu khách hàng phải đưa ra được lý do. Không còn cách nào khác, ông mới chia sẻ câu chuyện của mình. 

Cuộc gọi lạ yêu cầu chuyển tiền

Theo đó, vào ngày 7/2/2021, một số điện thoại lạ gọi cho ông Vương tự xưng là cảnh sát thông báo ông liên quan đến một đường dây tội phạm rửa tiền. Sau khi đã thao túng được tâm lý của nạn nhân, người này yêu cầu ông phải chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để chứng minh bản thân không vi phạm pháp luật. Không chút nghi ngờ, ông Vương răm rắp làm theo yêu cầu của các đối tượng. 

2 lần đến ngân hàng để tất toán sổ tiết kiệm 10 triệu đồng, cụ ông liên tục bị nhân viên ngân hàng làm khó, còn gọi cả cảnh sát đến làm việc- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Ông cho biết không có sẵn khoản tiền chúng yêu cầu nên đã đến ngân hàng để rút sổ tiết kiệm. Chia sẻ thêm, khách hàng còn cho biết người tự xưng là cảnh sát còn yêu cầu ông không được tiết lộ câu chuyện này đến ai.   

Khi nghe đến đây, giao dịch viên khẳng định ông Vương đã bị lừa. Ngay lập tức, người này đã liên hệ với cảnh sát để được hỗ trợ. Sau khi nghe cảnh sát giải thích, thuyết phục, cụ ông này mới biết mình suýt chút nữa đã sập bẫy lừa đảo. Ông bừng tỉnh, rối rít cảm ơn nữ nhân viên ngân hàng và cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn cản, giúp bảo toàn được số tiền tiết kiệm. 

Thông qua vụ việc này, cảnh sát địa phương phát đi thông báo đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là lực lượng chức năng để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Những đối tượng này thường lợi dụng điểm yếu tâm lý của nạn nhân là sợ dính đến pháp luật, nhất là khi nghe thấy thông báo họ đang vướng vào các vụ án nghiêm trọng. 

Thông thường, chúng sẽ dùng giọng điệu đanh thép để hù dọa, thao túng tâm lý nhằm tách nạn nhân ra khỏi người thân, bạn bè để không nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Đồng thời, chúng tìm cách dồn ép nạn nhân phải chuyển tiền trong quãng thời gian ngắn mà chúng đặt ra. 

Cảnh sát Hồ Bắc lưu ý, nếu rơi vào tình huống trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Cảnh sát Hồ Bắc cũng nêu rõ để làm việc với người dân, cơ quan cảnh sát sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập và không làm việc thông qua điện thoại. 

 (Theo Toutiao)