2024 là năm nóng nhất trong lịch sử ở nhiều nước

Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay tại nhiều quốc gia.

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử nước này. 

Theo thông tin đăng trên trang web Cục Khí tượng ngày 1/1/2025, trong năm 2024, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc ở mức 10,92 độ C, cao hơn 1,03 độ C so với mức trung bình và là năm nóng nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thống kê số liệu vào năm 1961. Cục Khí tượng nhấn mạnh 4 năm vừa qua là các năm nóng nhất từ trước đến nay tại nước này, trong khi cả 10 năm ấm nhất kể từ năm 1961 đều xảy ra trong thế kỷ 21.

Trung Quốc là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Nước này đã đặt mục tiêu có lượng phát thải CO2 đạt đỉnh vào năm 2030 và sẽ giảm mức phát thải ròng xuống bằng 0 vào năm 2060.

Cùng ngày, Cục Khí tượng Ấn Độ cũng công bố 2024 là năm nóng nhất tại nước này kể từ năm 1901.

Cục trưởng Cục Khí tượng Ấn Độ Mrutyunjay Mohapatra nêu rõ nhiệt độ không khí trong năm 2024 cao hơn 0,65 độ C so với mức trung bình dài hạn trong giai đoạn từ 1991 - 2020.

Ấn Độ đã trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, với nhiệt độ tăng vọt lên hơn 45 độ C. Trong đợt nắng nóng vào tháng 5/2024, thủ đô New Delhi đã ghi nhận mức nhiệt 49,2%, tương đương mức kỷ lục trước đó của thành phố vào năm 2022.

Ấn Độ là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới. Quốc gia này cam kết đến năm 2070 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0.

2024 là năm nóng nhất trong lịch sử ở nhiều nước- Ảnh 1.

(Ảnh: AFP/Getty Images)

Tại Australia, Cơ quan Khí tượng cho biết nước này đã trải qua năm nóng thứ hai trong lịch sử vào năm 2024, với mức nhiệt trung bình trên cả nước cao hơn 1,46 độ C so với mức trung bình cơ sở trong giai đoạn 1961-1990.

Đây là năm nóng thứ hai tại Australia chỉ sau năm 2019 - khi nhiệt độ trung bình toàn quốc cao hơn 1,51 độ C so với mức trung bình cơ sở.

Cơ quan Khí tượng đã tính nhiệt độ trung bình toàn quốc bằng cách lấy mức trung bình của tất cả nhiệt độ tối thiểu và tối đa được ghi nhận trên khắp cả nước. Thống kê cho thấy nhiệt độ tối thiểu tại Australia trong năm 2024 đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với mức nhiệt thấp trong đêm cao hơn 1,43 độ C so với mức trung bình cơ sở, vượt qua mức cao trước đó là 1,27 độ C được thiết lập vào năm 1998. Nhiệt độ tối đa cao hơn 1,48 độ C so với mức trung bình cơ sở, là mức nhiệt cao thứ tư sau các năm 2019, 2013 và 2018.

Thành phố Perth tại Australia là thủ phủ duy nhất tại nước này ghi nhận mức nhiệt cao nhất trong lịch sử vào năm ngoái, với nhiệt độ trung bình lần đầu tiên trên 20 độ C.

Thông tin trên được công bố trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu ngày càng nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu. Đây cũng là nguyên nhân đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức kỷ lục trong năm 2024. Tập đoàn bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sĩ ước tính thiệt hại kinh tế do thiên tai trong năm ngoái đã lên tới 310 tỷ USD.

Xu hướng nóng lên toàn cầu chủ yếu là do việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Trước đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo năm 2024 được dự báo là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu đỉnh điểm của một thập kỷ nóng chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu khẳng định, năm 2024 chắc chắn là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đồng thời là lần đầu tiên thế giới vượt qua "lằn ranh đỏ" trong nỗ lực bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.

Theo báo cáo, nắng nóng bất thường chưa từng có đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng cao trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay, phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ trước đó, bao gồm cả năm 2023. Thực trạng này đã làm nổi bật những thách thức nghiêm trọng mà cả các quốc gia giàu và nghèo phải đối mặt, khi thiên tai do biến đổi khí hậu, bắt nguồn từ các hoạt động của con người, liên tục xảy ra.

Các nhà khoa học cảnh báo, năm 2025 có thể bắt đầu với nhiệt độ toàn cầu ở mức gần kỷ lục và xu hướng này dự kiến kéo dài trong những tháng tới. Đáng lo ngại, khí thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn gia tăng, bất chấp những cam kết toàn cầu nhằm giảm thiểu than đá, dầu mỏ và khí đốt, để đưa thế giới về mức phát thải thấp hơn.