5 mẹo giúp bạn nhanh chóng quên đi người yêu cũ, hay bất cứ thứ gì dù tệ đến đâu

Đôi khi chúng ta thường mắc phải trường hợp ‘não cá vàng’ như đến công ty và không nhớ mình đã đóng cửa hay chưa, hoặc đang định nói điều gì đó nhưng bỗng nhiên quên mất. Vậy mà vẫn có một số điều chúng ta muốn quên đi, lại cứ mãi quẩn quanh trong tâm trí và không thể xóa bỏ. Thật tệ khi những thứ đáng lẽ cần nhớ lại không thể nhớ, còn những thứ cần phải lãng quên thì cứ mắc kẹt trong đầu.

Ngay cả trong thế kỷ 21, vẫn còn nhiều điều về cách vận hành của bộ não con người mà các nhà khoa học không thể giải thích được. Không có loại thuốc nào có thể chắc chắn giúp chúng ta nhớ lâu hơn, hay một ‘bát canh Mạnh Bà’ để xóa sạch những nỗi niềm cần buông bỏ.

Tuy nhiên, vẫn có một số thủ thuật giúp bạn dễ dàng quên đi những điều không cần thiết và tập trung hơn vào cuộc sống:

Mẹo 1: Hãy liên tục ngăn bản thân nghĩ về điều đó

Nếu bạn muốn nhớ một số điện thoại, có thể bạn sẽ đọc nhiều lần để ghi nhớ. Kỹ thuật để quên mọi thứ hoạt động theo cách ngược lại: mỗi khi ký ức xuất hiện trong tâm trí bạn, đừng tiếp tục nghĩ nữa. Bạn cũng có thể ép bản thân nghĩ sang một việc khác để tâm trí không quay trở lại với ký ức mà bạn đang muốn lãng quên. Nếu bạn áp dụng cách này thường xuyên, bạn sẽ dần loại bỏ được ký ức đó ra khỏi tâm trí.

Mẹo 2: Thay đổi bối cảnh

Khi suy nghĩ về một sự kiện nào đó trong quá khứ mà bạn không nhớ rõ, bạn chắc hẳn sẽ cố nhớ lại những chi tiết cụ thể như địa điểm là gì, khi nào, lúc đó bạn đang mặc gì, hay bạn đang làm gì – tất cả có thể tóm gọn thành: bối cảnh. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bất kỳ sự kiện nào cũng được liên kết với bối cảnh, và bối cảnh giúp chúng ta ghi nhớ những ký ức đó. Chính vì vậy, nếu bạn muốn quên một việc nào đó, hãy thay đổi bối cảnh.

Hãy cố gắng thêm thắt một vài tình huống không hề tồn tại vào bối cảnh mới, và bắt đầu suy nghĩ về tình huống này trong những điều kiện khác nhau. Cuối cùng, tâm trí của bạn bắt đầu hỗn loạn bởi những tình tiết thật – giả và đào thải ký ức ra khỏi trí nhớ.

Mẹo 3: Ghi đè ký ức


Thủ thuật này sẽ chỉ có tác dụng nếu bạn thực hiện nó ngay sau khi trải qua một việc mà bạn muốn quên đi. Tức là sử dụng một kỷ niệm mà bạn muốn khắc ghi trong tâm trí một cách rõ ràng để che lấp đi ký ức không vui vẻ mà bạn đang muốn quên.

Ví dụ: Nếu bạn có một cuộc trò chuyện không mấy vui vẻ với bạn cũ, bạn có thể đi mua một thứ gì đó mà bạn muốn từ lâu, đến công viên giải trí hoặc đơn giản là âu yếm với người thương, vì những tiếp xúc thân thể có thể tác động mạnh đến sức khỏe tâm lý. Tất nhiên là khi đang cố đánh lạc hướng bản thân, bạn không nên nghĩ về những gì đã xảy ra, nếu không, bạn sẽ khó quên hơn bởi bản thân đang cung cấp cho nó bối cảnh bổ sung.

Mẹo 4: Đánh lạc hướng tâm trí bằng khía cạnh tích cực

Mỗi khi ký ức đen tối xuất hiện trong tâm trí bạn, hãy cố gắng nhớ lại một kỷ niệm tương tự nhưng tích cực hơn để thay thế. Ví dụ, nếu bạn nói điều gì đó kỳ cục với bạn bè và muốn quên đi khoảnh khắc này, hãy nhớ lại những phát ngôn thực sự thông thái và dí dỏm của bản thân khiến người khác trầm trồ. Áp dụng cách này mỗi khi nhớ lại ký ức mà bạn muốn quên, và sau đó bạn sẽ chỉ nhớ tới những điều vui vẻ.

Mẹo 5: Thay đổi góc nhìn về sự việc

Đôi khi chúng ta bị gục ngã, và bắt đầu lo lắng về những điều không cần thiết. Cảm xúc là thứ ngăn không cho chúng ta lãng quên ký ức. Vì vậy, chìa khóa cho những tình huống này là hãy dùng lý trí để lấn át cảm xúc. Hãy phân tích ký ức của bạn về điều mà bạn muốn quên, và cố gắng nghĩ về nó từ một góc nhìn khác. Có thể điều đó chẳng gây ra điều gì đáng kể hoặc không thực sự đáng lo ngại như chúng ta vẫn tưởng.

Nếu bạn không thể thuyết phục bản thân và cần ý kiến của người khác, thì hãy chia sẻ với một người thân thiết. Có thể họ sẽ nói với bạn rằng bạn đã suy nghĩ quá nhiều, và cảm xúc lo âu của bạn sẽ biến mất, từ đó ký ức cũng không còn làm phiền bạn nữa.