7 sự thật về tiền bạc có thể thay đổi cuộc đời bạn

Khả năng kiếm tiền chính là tài sản quý giá của bạn. Chính vì vậy đừng bỏ bê nó. Chỉ khi ở trạng thái tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, bạn mới có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn và thu về khoản lợi nhuận tốt.

7 sự thật về tiền bạc có thể thay đổi cuộc đời bạn - 1

Tiền bạc không mua được hạnh phúc

Các nhà nghiên cứu đã phá tan ảo tưởng của nhiều người rằng có nhiều tiền hơn sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn.

Theo đó, nếu bạn kiếm được khoảng 75.000 đô la một năm, đó thực sự là một điều tốt. Đó là mức sống trung bình ở Mỹ và có thể đắt đỏ hơn khi bạn ở những thành phố lớn và đắt đỏ như New York hay San Francisco. Với số tiền này, bạn có thể chi trả tiền nhà ở, ăn uống thoải mái cùng những chuyến du lịch và các khoản tiết kiệm cho tương lai.

Tuy nhiên, nếu bạn kiếm được nhiều hơn số tiền đó 20%, xin chúc mừng nhưng nó không có nghĩa rằng bạn sẽ hạnh phúc hơn 20%. Nói cách khác, tiền chắc chắn có thể mua được sự thoải mái và an toàn nhưng một khi bạn đã đạt được mức thu nhập ổn định và đủ cho chi tiêu thì việc có nhiều tiền hơn không giúp bạn hạnh phúc hơn theo tỷ lệ tăng tương ứng.

Khả năng kiếm tiền của bạn chính là tài sản quý giá

Trong khi tài khoản tiết kiệm của bạn có thể khiến nhiều người ngưỡng mộ thì cuối cùng, khả năng kiếm tiền của mới là thứ cho phép bạn xây dựng sự giàu có. Tình hình tài chính của bạn sẽ bị chững lại khi bạn không thể kiếm thu nhập.

Khả năng kiếm tiền chính là tài sản quý giá của bạn. Chính vì vậy đừng bỏ bê nó. Chỉ khi ở trạng thái tốt nhất về cả thể chất lẫn tinh thần, bạn mới có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn và thu về khoản lợi nhuận tốt. 

Hãy quan tâm hơn đến bản thân, coi trọng sức khỏe cũng như khối tài sản của mình. Bạn cần xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống khoa học, hạn chế những món đồ ăn vặt nhiều đường hay dầu mỡ và vận động thường xuyên, ngủ đủ giấc…

Chi phí thời gian sẽ là người dẫn đường cho bạn

Rất nhiều người trong chúng ta vẫn chi tiêu một cách phù phiếm, quăng tiền vào những khoản chi không đáng vì không biết để chi phí thời gian dẫn đường.

Ví dụ rằng bạn là một nhà thiết kế đồ họa và bạn sẽ kiếm được 20 đô la cho mỗi giờ làm việc. Có một đôi giày giá 300 đô la đang khiến bạn “phát điên”? Trước khi quyết định nhặt hàng vào giỏ, hãy làm một phép tính đơn giản để biết rằng, liệu bạn phải làm việc bao nhiêu giờ đồng hồ để có thể sở hữu được đôi giày đó. Nếu kết quả là 15 giờ làm việc khiến bạn phải bất ngờ thì có lẽ, bạn nên để lại đôi giày và tiếp tục làm việc kiếm tiền.

Việc xác định giá trị của thời gian không chỉ giúp bạn kiềm chế chi tiêu tốt hơn mà còn có thể giúp bạn dễ dàng đưa ra các quyết định khi cần sử dụng các dịch vụ. Nếu bạn đang cần dọn nhà và số tiền bạn phải trả cho dịch vụ đó ít hơn số tiền mà bạn có thể kiếm được trong khoảng thời gian đó, hãy thuê người khác làm cho mình.

Bạn phải chi tiêu ít hơn số tiền mình kiếm được

Cách duy nhất để bạn có tài chính tốt hơn chính là đảm bảo bản thân luôn có thu nhập tùy ý. Thu nhập tùy ý hay thu nhập tùy dụng là khoản tiền bạn còn lại sau khi tất cả các chi phí sinh hoạt thiết yếu đã được thanh toán. Nó đến từ việc bạn có khoản thu lớn hơn là khoản chi.

Nếu không có thu nhập tùy ý, bạn sẽ không có khả năng tiết kiệm và đầu tư, có thể nói nôm na là lương chỉ đủ sống. Trước mắt, điều này có thể không vấn đề nhưng xét về lâu dài, nó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi bạn có thể vướng vào rắc rối khi có sự việc phát sinh.

Sự đánh đổi để chi tiêu tất cả những gì mình có hôm nay chính là tương lai không an toàn về tài chính. Để tương lai trở nên dễ chịu hơn, bạn cần chấp nhận cảm giác đôi khi thấy “khó chịu” trong ngày hôm nay.

Hãy đảm bảo chi tiêu dưới khả năng kiếm tiền của bạn, cắt giảm những khoản chi không cần thiết và sắp xếp các ưu tiên tài chính một cách cẩn thận.

“Trả tiền” cho mình trước tiên

“Trả tiền” cho mình trước tiên là một trong những quy tắc vàng của tài chính cá nhân. Điều này có nghĩa rằng bạn nên tiết kiệm và đầu tư trước khi trả cho bất kỳ ai khác.

Rất nhiều người thành công nhờ một phần áp dụng tiết kiệm, đầu tư tự động. Thay vì chi tiêu cho nhu cầu bản thân trước và tiết kiệm số tiền còn sót lại, hãy tiết kiệm, đầu tư trước, ngay khi bạn nhận được lương hay bất kỳ khoản thu nhập nào.

Việc này sẽ giúp bạn không phải nghĩ ngợi xem mình sẽ tiết kiệm được bao nhiêu và giúp bạn dễ kiểm soát các khoản chi trong tháng. Hãy đảm bảo rằng bạn đã gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trước khi chạm tay vào được khoản thu nhập đó.

Quá khứ tài chính của bạn là điều không liên quan

Trong thế giới kinh doanh, khoản chi phí mà bạn đã gánh chịu và không thể thu hồi được gọi là chi phí chìm. Thuật ngữ này xuất phát từ ngành công nghiệp dầu mỏ, nơi bạn có thể phải tốn rất nhiều tiền để đào giếng nhưng có thể hoàn toàn không thu được dầu từ đó. Trong trường hợp này, bạn sẽ làm gì? tiếp tục đào giếng đó hay chi nhiều hơn để đào một cái giếng khác?

Dù bạn là ai, chúng ta đều phải đưa ra quyết định dựa trên những gì tốt nhất cho tương lai chứ không phải dựa trên những khó khăn đã xảy ra trong quá khứ.

Chúng ta đều có những chi phí chìm cá nhân mà chúng ta ước mình có thể lấy lại được như khoản đầu tư thất bại hay tiền mua sắm vào những thứ không thực sự cần thiết… Đừng chỉ mãi chăm chăm nhìn vào đó và thấy mình thật tội lỗi. Điều này sẽ không giúp gì được cho bạn cả.

Hãy đưa ra quyết định và tiến về phía trước dựa trên những gì tốt nhất cho tương lai của bạn, không phải dựa trên những sai lầm bạn có thể đã làm trong quá khứ.

Đầu tư sớm giúp bạn thành công

Một trong những khái niệm và chân lý tài chính quan trọng nhất mà bạn cần hiểu chính là sự kỳ diệu của đầu tư sớm. Tất nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng nó sẽ giúp bạn tạo nên sự khác biệt giữa cuộc sống chật vật và thoải mái tài chính trong tương lai.

Bạn càng có nhiều thời gian để đầu tư và thử nghiệm, bạn sẽ càng nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình. Người biết tận dụng lợi thế lãi suất kép – “kỳ quan thứ 8 của thế giới” sẽ là người thành công.

Vì vậy, đừng bắt đầu lập kế hoạch và tiết kiệm cho việc nghỉ hưu quá muộn, đừng giữ suy nghĩ mình còn quá trẻ để thực hiện việc tiết kiệm. Hãy bắt đầu thói quen đầu tư tối thiểu 10% đến 15% tổng thu nhập mỗi tháng.