Tất cả chúng ta đều có thói quen chất đống những thứ vô dụng trong nhà. Những vật phẩm dư thừa này không chỉ chiếm dụng không gian sống của chúng ta, mà còn cả cuộc sống của chúng ta.
Vì vậy hãy cùng xem bạn có 7 thứ cần loại bỏ như danh sách dưới đây không, và bắt tay vào dọn dẹp để đón một năm mới may mắn nhé!
1. Giấy lộn
Thông thường, chúng ta chẳng nỡ dành một vài phút để xem lại những tờ giấy biên nhận hay hóa đơn xem có còn cần chúng hay không và cuối cùng chúng ta sẽ nhét đầy vào túi, ví hay ngăn bàn,…và hứa sẽ phân loại một ngày nào đó, nhưng rồi chúng cứ đầy mãi lên mà không được đụng đến.
Một số loại giấy tờ cần loại bỏ bao gồm:
Hóa đơn và biên lai cũ
Hướng dẫn sử dụng và bảo hành
Tờ rơi quảng cáo và tập sách
Bưu thiếp và tạp chí cũ
Tài liệu và chứng chỉ vô dụng
Cách giải quyết: Hãy loại bỏ chúng ngay khi có thể. Những tờ giấy hướng dẫn sử dụng và giấy bảo hành luôn có sẵn ở dạng file mềm. Đối với các giấy tờ có thể vẫn còn hữu ích, chúng ta nên xếp vào một nơi gọn gàng và thường xuyên kiểm tra để xác nhận giấy tờ nào cần thiết, cái nào cần bỏ đi. Ngoài ra, hãy tạo cho mình thói quen kiểm tra lại ví và túi mỗi cuối ngày và quyết định những thứ cần giữ, những thứ nên bỏ.
2. Sản phẩm đã hết hạn
Chúng ta thường không thể ghi nhớ hết hạn sử dụng của những sản phẩm trong nhà, đặc biệt là những sản phẩm không thường xuyên sử dụng. Những thứ có thể chỉ được dùng một vài lần và để nguyên trên kệ, tủ…và chúng ta quên khuấy chúng cho đến khi căn nhà trở nên quá chật chội. Kết quả là có quá nhiều sản phẩm trở nên vô dụng khi đã hết hạn.
Điều này đặc biệt đúng với:
Thuốc
Gia vị
Các loại ngũ cốc và hạt
Mỹ phẩm
Cách giải quyết: Thường xuyên kiểm tra tủ lạnh và ngăn tủ của bạn, kiểm tra hạn sử dụng của sản phẩm. Bạn nên làm việc này ít nhất một lần một tháng. Với các sản phẩm làm đẹp, việc kiểm tra có thể giúp bạn có thêm trải nghiệm làm đẹp thú vị trong lúc dọn dẹp.
3. Những thứ đã hỏng
Nguyên nhân khiến cho những thứ này xuất hiện trong nhà của bạn là do không dành thời gian để sửa chữa hoặc quên. Tốt hơn là bạn nên mang những thứ bị hư hỏng đến cửa hàng sửa chữa càng sớm càng tốt. Nếu bạn tiếp tục mặc kệ chúng, rất có thể, bạn không thực sự cần thứ đó nữa!
Một số thứ có thể góp mặt trong danh sách này bao gồm:
Quần áo và giày bị hư hỏng
Thiết bị bị lỗi
Dù, trang sức và các phụ kiện thời trang
Cách giải quyết: Đặt lịch và thời hạn để sửa chữa những thứ bị hỏng (ví dụ như một tháng). Nếu trong thời gian này, bạn không hoàn thành được kế hoạch đặt ra, thì tốt nhất bạn nên gom những thứ đã hỏng và bỏ đi.
4. Những món quà không mong muốn
Đôi khi vào những dịp lễ, Tết hay sinh nhật, chúng ta vẫn có thể nhận được những món quà không như mong đợi và chúng ta không biết nên làm gì với chúng ngoài việc xếp chồng chất vào một góc trong nhà.
Cách giải quyết: Để ngăn chặn những thứ vô giá trị chiếm dụng không gian trong nhà, hãy gợi ý cho người thân và bạn bè về những thứ bạn thực sự muốn có, để tránh lãng phí tiền bạc của họ và không gian của bạn.
5. Những thứ định "để dành" cho tương lai
Chúng ta thường có thói quen giữ lại những thứ không sử dụng được vào thời điểm hiện tại, và tin rằng chúng sẽ có ích trong tương lai. Cách nghĩ này không có gì sai, nhưng nó sẽ dẫn đến việc mua bán và giữ lại những vật phẩm mà rất có thể sẽ không bao giờ được đem ra sử dụng. Những thứ đó có thể là:
Quần áo không vừa với bạn lúc này
Quần áo và giày dép đã hết mùa
Bộ chén đĩa ăn tối cho những dịp trọng đại
Trang phục dành cho một số sự kiện trong tương lai có thể (chẳng hạn như ngày cưới)
Cách khắc phục: Chỉ mua các mặt hàng mà bạn cần ở thời điểm hiện tại. Tránh mua những thứ được giảm giá do hết mùa, và cố gắng không tích trữ những thứ khác chỉ để ‘đề phòng cần dùng tới’.
6. Những kỷ vật cũ
Chúng ta luôn muốn lưu giữ những kỷ niệm bằng cách giữ lại những kỷ vật. Dần dần, những kỷ vật trở nên nhiều và đầy lên, lấp đầy những chỗ trống trong nhà của chúng ta. Thậm chí chúng ta có thể chẳng bao giờ lấy những thứ cũ ra để hồi tưởng lại những kỷ niệm khó quên đó. Luôn có những cách tốt hơn để giữ cho quá khứ không phai mờ. Chẳng hạn, bạn có thể lưu giữ những kỷ niệm khi du lịch nước ngoài khi thưởng thức những món ăn truyền thống của vùng đất mà bạn đặt chân đến, hoặc tham gia vào các lễ hội đia phương.
Có một số thứ ở danh mục mà bạn cần loại bỏ bao gồm:
Bưu thiếp cũ
Quà tặng từ người yêu cũ
Đồ chơi thời thơ ấu
Vé xem phim, buổi hòa nhạc hoặc triển lãm cũ
Những món quà lưu niệm
Cách giải quyết: Loại bỏ các vật lưu niệm vô dụng và cố gắng không tích trữ thêm những thứ khác. Đối với những thứ quá thân thuộc, hãy lưu trữ chúng trong một hộp giấy, hoặc thư mục đặc biệt trong máy tính hay điện thoại. Nguyên tắc chính là: nên giữ tất cả đồ lưu niệm ở một nơi. Có như vậy, bạn sẽ không gặp khó khăn khi sắp xếp chúng, và có thể loại bỏ những thứ không còn quan trọng khi cho thêm những thứ mới vào.
7. Những thứ có thể "tiện dụng" vào một ngày nào đó
Cần kiệm quá mức và lo sợ hàng hóa trở nên khan hiếm là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của những thứ thừa thãi này. Hãy nhớ rằng bạn có thể dễ dàng mua, sửa chữa hoặc thay thế hầu hết mọi mặt hàng. Không đáng để giữ những thứ vô dụng ở nhà chỉ vì ‘có khả năng’ bạn có thể cần chúng một ngày nào đó.
Những thứ trong danh mục này bao gồm:
Các linh kiện và phụ tùng không phục vụ cho mục đích rõ ràng
Cúc dự phòng và chỉ
Lọ và hộp rỗng
Phụ kiện mà bạn từng yêu thích
Cách giải quyết: Cho dù bạn có tích trữ bao nhiêu thứ, chúng vẫn không giúp bạn miễn nhiễm với các khủng hoảng khác nhau trong gia đình. Cuối cùng, bạn sẽ chỉ làm hỏng không gian sống của bạn với một đống rác.
Bạn có thể làm gì với tất cả những thứ vô dụng này?
Mặc dù có rất nhiều thứ bạn không cần dùng tới và không còn khả năng sử dụng nhưng không có nghĩa là bạn nên vứt đi tất cả. Bạn có thể sử dụng chúng cho những mục đích tốt hơn như:
Quyên góp mọi thứ cho các trung tâm tình nguyện hoặc người nghèo.
Mang sách và tạp chí cũ của bạn đến các thư viện công cộng, hoặc trao đổi với những người sưu tập sách.
Hãy học tập những mẹo biến đồ cũ thành đồ mới từ Internet và tìm kiếm sự bất ngờ.
Bạn cũng có thể đăng tải những món đồ còn mới và hữu dụng lên các kênh trực tuyến để bán lại và thu về một số tiền nho nhỏ.