Với mức thu nhập hiện tại, Hồng Ngọc đang phân chia chúng thành 6 khoản chính gồm: Chi phí sinh hoạt (35%), chi phí học tập và phát triển của con (10%), tiết kiệm dài hạn (20%), đầu tư (20%), học tập và phát triển (10%), biếu tặng (5%).
Dù có nhiều thứ phải chi, Ngọc vẫn để dành được 5-7 triệu đồng/tháng nhờ vào các nguyên tắc chính:
1. Muốn mua đồ đắt tiền, viết vào file kế hoạch trước
Để tránh chi tiêu bốc đồng, mỗi khi nhìn thấy hoặc bất chợt muốn mua món đồ nào, cô sẽ liệt kê tên món đồ vào file kế hoạch mua sắm. Điều này giúp Ngọc hiểu hơn rằng mình cần hay muốn mua món đồ hơn. Nếu thực sự cần mua, cô sẽ chờ đến dịp săn sale. Từ đó, Ngọc hạn chế được mua sắm đồ đạc linh tinh, bớt lãng phí tiền bạc. Nhờ vậy, có tháng Ngọc tiết kiệm được 1-2 triệu đồng tiền chi cho đồ gia dụng.
2. Chi luôn nhỏ hơn thu
Chi tiêu ít hơn thu nhập luôn là nguyên tắc ưu tiên hàng đầu của Ngọc. Cô luôn đảm bảo mình có một khoản tiền dư cuối mỗi tháng để chuẩn bị tài chính cho những trường hợp khẩn cấp.
Điều đầu tiên Ngọc làm sau khi nhận lương là chuyển thẳng một phần vào tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư. Điều này giúp cô tránh chi tiêu quá tay vì luôn có sẵn tiền. Ngọc cũng hạn chế dùng tiền mặt và liên kết tài khoản hay thẻ ngân hàng với các ứng dụng mua sắm để giảm bớt sắm đồ không theo kế hoạch. Tổng các quỹ cho mục chi không vượt quá 80% thu nhập.
3. Đặt mục tiêu tiết kiệm ít nhất 15% thu nhập
Tiết kiệm tối thiểu 15% thu nhập là nguyên tắc tiếp theo của Ngọc. Với số tiền tiết kiệm này, cô có thể nhanh chóng đạt mục tiêu tài chính dài hạn như mua nhà, mua xe. Cô cũng tiến hành kế hoạch đầu tư an toàn thay vì gửi tiết kiệm để nhận lãi cao hơn.
4. Luôn ghi chép chi tiêu mỗi ngày
Ngọc tin rằng khi hiểu được hướng đi của dòng tiền, biết mình thu nhập, chi tiêu như thế nào, từ đó sẽ giúp cô giảm được các khoản chi không cần thiết.
5. Giảm bớt khoản chi cho bản thân
Trước đây, mỗi tháng Ngọc có thể dành khoảng 400.000 đồng để làm nail hai lần, 1,5 triệu đồng đi spa và làm tóc, mua nước hoa, túi xách... Nhưng hiện tại, Ngọc học cách cắt giảm các khoản chi không cần thiết này. Vì vậy cô có thể tiết kiệm đến 2-3 triệu đồng/tháng. "Có nhiều khoản tiền bạn chi cho việc 'yêu bản thân' nhưng thực chất đang bào mòn sức lao động của mình", Ngọc nói.
6. Quy đổi giá món đồ muốn mua ra số giờ làm việc
Để tiết kiệm hiệu quả, Ngọc quy đổi giá trị món đồ muốn mua ra số giờ làm việc. Ví dụ, nếu muốn mua đôi giày trị giá 2 triệu đồng, Ngọc sẽ quy chúng thành 6 giờ làm việc và tự hỏi bản thân: "Đôi giày này có đáng để mình đổi lấy như vậy không?". Ngọc tự nhận đây là cách giúp cô tiết kiệm được nhiều nhất trong các hoạt động chi tiêu mua sắm.
7. Lập tài khoản tiết kiệm
Trước đây, Ngọc từng nuôi heo đất và bỏ tiền tiết kiệm mỗi ngày. Tuy nhiên, Ngọc nhanh chóng nhận ra phương pháp này không phù hợp vì nuôi heo đất không thể sinh lời. Sau đó, cô quyết định gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm tích lũy. Điều này giúp tiền của Ngọc không bị mất giá theo thời gian.
8. Hạn chế lướt mạng
Theo Ngọc, sức hấp dẫn của các màn quảng cáo trên mạng xã hội khiến mọi người dễ móc ví cho các món đồ mình không cần.