Những câu thành ngữ như ‘uốn lưỡi 7 lần trước khi nói’ hay ‘nghĩ trước khi nói’ thể hiện tầm quan trọng của việc cân nhắc và cân trọng về lời nói của bản thân, nhưng có một số tình huống tốt hơn hết là nên im lặng. Vì vậy, lần tới khi bạn nổi nóng hoặc bực dọc với ai đó và muốn phản pháo ngay thì hãy nhớ tới câu nói này “Im lặng là cách ứng xử thông minh của những người khôn ngoan nhất”. Đồng thời, hãy lắng nghe nhiều hơn và tốt hơn là không đổ thêm dầu vào lửa.
Dưới đây là danh sách là những kiến thức hữu ích giúp bạn biết khi nào và làm thế nào để giữ im lặng trong trường hợp bạn không chắc chắn.
Khi lời nói của bạn có thể làm người khác phát điên
Trong một cuộc cãi vã, im lặng sẽ giúp bạn lắng nghe cẩn thận hơn, và bạn sẽ nhận ra người kia đang tự làm bản thân kiệt sức khi liên tục buông lời nặng nhẹ. Trong trường hợp bạn cần phản biện, hãy dành 5 giây để suy nghĩ trước khi nói.
Bạn có thể thử khẳng định, thay vì phản đối. Ví dụ, nếu có ai đó bảo tóc của họ bị bẩn bết quá, bạn có thể đồng tình nếu thực tế đúng là như vậy, thay vì nói dối. Đồng thời, đưa ra những gợi ý hoặc lời khuyên cho người kia. Thể hiện sự đồng cảm sẽ ngăn chặn mọi xung đột có thể xảy ra.
Nếu nói ra khiến bạn bực bội thêm
“Bùng nổ” trong lúc tức giận chỉ khiến bạn thêm tức tối và chẳng giúp ích gì trong việc giải quyết vấn đề. Dĩ nhiên bạn có quyền thể hiện cảm xúc, nhưng cố gắng xả bực tức bằng lời nói sẽ chỉ khiến người khác phát điên, và dẫn đến xung đột, bất hòa. Khi cuộc trò chuyện trở nên vô nghĩa, tốt hơn hết là dừng lại và im lặng.
Điều này cũng nên được áp dụng khi bạn cố gắng thuyết phục một người bảo thủ hoặc không muốn lắng nghe quan điểm của bạn. Những nỗ lực giúp họ hiểu ra lòng tốt của bạn sẽ trở nên công cốc và họ cũng chẳng nghĩ rằng bạn đã đúng khi mọi sự đã thành. Hãy để dành những lời nói vàng ngọc cho những người quan trọng hơn là vô bổ.
Nếu bạn muốn sửa chữa sai lầm của ai đó
Ngay cả khi ý định duy nhất của bạn là giúp đỡ, tốt nhất là hãy cứ giữ im lặng, đặc biệt là nếu bạn không biết rõ về họ. Hãy để người khác tự nhận ra và sửa chữa sai lầm của riêng họ cái đã.
Nếu lời nói của bạn xúc phạm ai đó
Bạn có thể nghĩ rằng chẳng ai tự nhiên dùng lời lẽ để xúc phạm người khác, đặc biệt là những người hiểu biết, thế nhưng có lẽ bạn đã lầm. Đôi khi chúng ta chỉ đơn giản là nói ra cho thoải mái hoặc giải thoát khỏi sự đố kỵ nhưng hầu như không nhận ra. Những lời nói xúc phạm đôi khi chỉ là những lời châm biếm, nhưng điều đó vẫn làm người nghe khó chịu. Im lặng là lời đáp trả sắc sảo nhất vì nó giúp hình ảnh của bạn tốt đẹp hơn những gì bạn cố gây dựng.
Nếu bạn nói chỉ để được góp lời
Nguyên tắc đầu tiên của giao tiếp là không mở miệng để cho có. Nếu lời nói của bạn không đóng góp gì cho câu chuyện, bạn có thể im lặng lắng nghe. Kiểu hành vi nói cho có lời thường bắt gặp ở môi trường công sở. Ví dụ: Khi một cuộc họp diễn ra, và có một câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người, và luôn có một người thích góp lời nhưng lại không hề chia sẻ đúng vào trọng tâm hoặc chỉ nói lòng vòng khiến người nghe thấy mệt mỏi.
Nếu bạn muốn ‘buôn dưa lê’
Biết bí mật của bạn bè sẽ khiến bạn gần gũi hơn với họ, nhưng không phải để nói với người khác. Đôi khi giữ bí mật là một việc làm khó khăn với nhiều người. Tuy nhiên, bạn không nên lấy thông tin hay bí mật của người khác ra để ‘tám chuyện’. Hơn nữa, việc buôn chuyện với người thứ ba cũng là một mối nguy, vì bạn đâu thể chắc chắn họ không nói về bạn với người khác như cách họ đang ‘buôn’ cùng bạn.
Nếu người khác cố gắng bắt nạt bạn
Đừng cố gắng phản ứng lại những kẻ bắt nạt. Những kẻ bắt nạt sống bằng cách chờ người khác phản ứng lại, và bạn càng nói bạn càng bị bắt nạt nhiều hơn. Điểm yếu của những kiểu người này là không thể im lặng. Bạn có thể giết chết những lời lẽ miệt thị của họ bằng cách sử dụng lợi thế của bạn – sự im lặng. Bạn có thể suy nghĩ tới việc dạy cho chúng một bài học bằng những lời lẽ khôn ngoan, nhưng tốt hơn hết là im lặng. Tốt nhất là lờ chúng đi và quan tâm tới bản thân để không cảm thấy phiền lòng.
Nếu lời nói có thể làm tổn thương cảm xúc của ai đó
Điều đặc biệt quan trọng là tránh bình luận về bản chất thật của ai đó. Không có cách nào để biết liệu nhận xét của bạn có khả năng khiến người khác tổn thương đến mức nào, vì tất cả chúng ta đứng ở vị thế khác nhau. Có một quy tắc rất đơn giản “Sự im lặng đôi khi còn có giá trị hơn gấp nhiều lần những lời nói vô bổ”. Hãy xem xét tới mối quan hệ của bạn và người được đề cập tới trong câu chuyện để biết nên và không nên nói những gì.