Còn nhớ cuối năm 2018, hình ảnh một cậu bé vài tháng tuổi có gương mặt cực giống thủ môn đội tuyển bóng đá quốc gia Đặng Văn Lâm đã được cư dân mạng truyền nhau chóng mặt. Em bé lai đáng yêu với đôi mắt to tròn, làn da trắng và sống mũi cao được nhiều người thích thú gọi là “Lâm Tây phiên bản nhí”.
Vậy nhưng ít ai biết rằng, cậu bé đáng yêu này từng là một đứa trẻ sinh non với chỉ 50% cơ hội sống sót. Và đến tận bây giờ khi bé đã hơn 2 tuổi, những di chứng của việc sinh non vẫn còn đeo khám. Mẹ bé - chị Nguyễn Thảo Nguyên (sống tại TP.HCM) đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả và đến giờ vẫn còn rơi nước mắt mỗi lần nhìn con.
Sinh non con nhỏ như chai nước, bố bé đòi xét nghiệm ADN nhưng vẫn không nhận
Chị Thảo Nguyên kinh doanh một khách sạn nhỏ tại TP.HCM và qua đó quen biết với bạn trai người Thổ Nhĩ Kỳ. Những tưởng mối quan hệ tình cảm sẽ có cái kết đẹp nhưng không ngờ khi chị phát hiện mang bầu, bạn trai lại yêu cầu bỏ thai.
"Vì chu kỳ kinh nguyệt của mình không đều nên mang thai đến tháng thứ 4 mới phát hiện. Lúc đó bạn trai không ở Việt Nam, mình gọi điện báo tin thì người đó thể hiện thái độ không tin tưởng rồi kêu mình bỏ thai đi. Đương nhiên mình không bao giờ chấp nhận, nhất quyết giữ bé lại dù người đó có nhận hay không", chị kể lại.
Thử thách thứ hai đến với mẹ con chị Thảo Nguyên là khi con trai chào đời sớm gần 3 tháng, cơ hội sống sót chỉ 50%.
Bé Will chào đời ở tuần 29 với cân nặng 1,5kg.
"Mình bị vỡ ối sớm ở tuần 29. Lúc đó vừa đau bụng, vừa ra máu. Nhập viện bác sĩ nói nếu sinh ở tuần 29 thì em bé sẽ có nhiều vấn đề về thần kinh, nghiễm trùng máu, vàng da,... nên phải cố giữ thai đến 35 tuần. Vậy nhưng máu thì ngày một nhiều, mình còn sốt cao tới 40 độ, truyền 3 lần dịch vẫn không đỡ. Cuối cùng bác sĩ vẫn phải cho sinh thường gấp. Bé chào đời nặng có 1,5kg, nhỏ xíu như một chai nước và phải chuyển ngay sang phòng chăm sóc đặc biệt", bà mẹ 9X nhớ lại.
Chào đời sớm, cậu bé William Khôi Nguyễn gặp phải không ít vấn đề về sức khỏe và phải nằm lồng ấp ròng rã 1 tháng trời. Vậy nhưng cuối cùng, hai mẹ con vẫn cùng nhau kiên trì "chiến đấu" và vượt qua mọi khó khăn. Sau 3 tháng 15 ngày, bé Will được xuất viện về nhà với vẻ ngoài trắng hồng, bụ bẫm như "lột xác" hoàn toàn.
Sau 3 tháng nằm viện, cậu bé mới được về nhà với mẹ.
Cậu bé "lột xác", cực kỳ bụ bẫm, đáng yêu.
Tuy nhiên, điều khiến chị Thảo Nguyên đau lòng nhất là vì mình sinh non 2 tháng nên bố bé khi trở về Việt Nam sinh ra nghi ngờ, nhất quyết đòi xét nghiệm ADN mới nhận con. Đến khi chị nuốt nước mắt đưa bé đi xét nghiệm và có kết quả thì bạn trai vẫn chối bỏ, nói rằng chỉ nhận con chứ không nhận vợ. Cuối cùng chị quyết định chia tay, một mình nuôi con.
Con 15 tháng mới phát hiện có vấn đề, giờ hơn 2 tuổi vẫn phải tập đi
Khi con được 5 tháng tuổi, ngày càng mũm mĩm, đáng yêu và còn được cư dân mạng gọi là "Lâm Tây phiên bản nhí", chị Thảo Nguyên nghĩ rằng mọi khó khăn, thử thách với con đã kết thúc, từ nay hai mẹ con sẽ có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Vậy nhưng không ngờ "ông trời" vẫn tiếp tục thử thách hai mẹ con.
Mọi sự bắt đầu khi chị Thảo Nguyên giật mình phát hiện con đến tận 15 tháng tuổi mới biết ngồi - trong khi các bạn cùng lứa đều đã biết đi.
"Mình để ý thấy con lúc nào người cũng gồng cứng lên, nhất là đôi chân không co duỗi được và cứ thẳng như một khúc cây vậy. Ban đầu mình chỉ nghĩ là do bé sinh non nên sẽ không nhanh bằng các bạn khác. Nhưng càng ngày càng vấn đề càng nghiệm trọng hơn, bé không những không biết đi mà còn gồng cứng hai chân, không dang ra hai bên được.
Lúc này mình bắt đầu thấy lo lắng và đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Đi khắp các bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh và các bác sĩ đều có chung kết luận là do bé sinh non, bị ảnh hưởng đến não và cột sống nên khả năng vận động kém, phải rất lâu mới có thể đi được", chị Thảo Nguyên tâm sự trong nước mắt.
Càng lớn Will càng đẹp trai nhưng chưa thể đi lại bình thường do sinh non.
Đến nay hơn 2 tuổi, bé Will vẫn chưa thể đi lại. Cứ 3 tháng một lần, chị Nguyên phải đưa con đến bệnh viện tiêm bắp chân cho cơ giãn ra, bó bột và mang giày vật lý trị liệu nhưng tình hình cải thiện rất chậm. Bác sĩ cho biết vấn đề của bé chỉ có thể kiên trì tập luyện chứ không thể giải quyết trong "một sớm một chiều". Cùng với đó, chị Nguyên cũng phải nhẫn nại dạy bé ghi nhớ con số, hình chữ vì bé cũng sẽ chậm hơn các bạn cùng lứa.
Mỗi lần nhìn con bị tiêm bầm tím chân rồi khổ sở tập đi, chị Nguyên lại rơi nước mắt. Chị bộc bạch: "Cứ nhìn con là mình khóc, không biết phải xin lỗi con bao nhiêu cho đủ vì đã không cho con chào đời được đủ ngày đủ tháng, được một người bố tử tế, giờ lại mắc thêm bệnh tật".
Bé phải tiêm giãn cơ 3 tháng một lần, kết hợp vật lý trị liệu nhưng tình hình cải thiện rất chậm.
Vì dịch Covid-19 mà tình hình kinh doanh khách sạn của chị Thảo Nguyên cũng không khả quan trong khi chi phí điều trị cho con không hề nhỏ khiến chị cảm thấy áp lực nặng nề. Khi biết con bệnh, chị cũng có nhắn tin cho bố bé thông báo nhưng người đó chỉ ậm ờ cho qua chuyện và cũng không có ý muốn hỗ trợ gì hai mẹ con.
"Đã có lúc mình nghĩ sống thế này khổ quá, hay hai mẹ con ôm nhau chết đi cho rồi, nhưng nhìn khuôn mặt ngây thơ của con lại không đành lòng. Chưa đêm nào mình ngủ ngon, chỉ khóc và nghĩ quẩn quanh cũng đến 3-4 giờ sáng", chị Nguyên nói.
Đến bây giờ, chị chỉ có mong mỏi duy nhất là nhìn thấy con khỏe mạnh, có thể chạy nhảy như những bạn khác. Niềm hạnh phúc đơn giản, nhỏ nhoi với bao người ấy chính là ước mơ lớn nhất trong cuộc đời chị hiện tại.
Chị Nguyên chỉ có thể an lòng khi con có thể chạy nhảy như các bạn.