Ám ảnh cảnh giết mổ, chủ quán ở Đồng Nai nghỉ bán, 'trả tự do' cho 16 con chó

Không muốn các con thấy cảnh giết mổ, chủ quán ở Đồng Nai thường dậy sớm làm thịt chó. Mới đây, anh quyết định nghỉ bán, chuyển nghề sau nhiều năm sống trong ám ảnh.

Ám ảnh những giấc mơ chó cắn

Hơn 20 năm trước, anh Đào Văn Cường (SN 1985, Đồng Nai) chân ướt chân ráo từ Bắc Giang vào huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai lập nghiệp.

Những năm đầu, anh ngược xuôi vất vả với nghề phụ hồ nhưng không đủ sống. Vì vậy, anh phụ bán quán thịt chó cùng người anh kết nghĩa.

Anh phụ bán hàng được hơn 10 năm thì chủ quán nghỉ bán. Người này để lại quán cho anh làm ăn.

Anh giữ biển hiệu cũ và tiếp tục kinh doanh thịt chó. Buôn bán thuận lợi, anh có nguồn thu nhập ổn định lo cho gia đình.

Khi quán đông khách, anh thu được khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, lúc vắng thì được 20 triệu đồng/tháng. So với người dân trong khu vực, thu nhập của gia đình anh cao hơn rất nhiều.

Để duy trì cuộc sống ấm no, anh Cường phải làm công việc khiến bản thân nhiều lúc cảm thấy áy náy.

Anh tâm sự: “Hồi quán còn đông khách, tôi phải tự giết mổ 4 - 5 con chó mỗi ngày. Mấy năm gần đây, lượng khách giảm dần nên mỗi ngày, tôi chỉ làm thịt khoảng 1 - 2 con.

Mỗi lần làm thịt chó, tôi luôn cảm thấy có lỗi. Ám ảnh đến mức tôi mơ thấy mình bị chó cắn, phải vùng dậy trong đêm”.

Không muốn các con thấy cảnh giết mổ, anh Cường thường dậy sớm làm thịt chó. Khi con thức dậy, mọi thứ ở quán đã được anh dọn dẹp sạch sẽ.

Nỗi ám ảnh lớn dần, anh nghĩ đến việc nghỉ bán thường xuyên hơn. Tuy nhiên, cả nhà 5 người chỉ sống nhờ thu nhập của quán. Nếu chuyển nghề không thành công thì gia đình anh sẽ lâm cảnh khốn khó.

Bỏ nghề thấy lòng thanh thản

Mấy năm gần đây, anh thường tâm sự với vợ về chuyện nghỉ bán thịt chó. Anh lo vợ không đồng ý nhưng không ngờ, chị lại tán đồng dự định của chồng.

“Vợ con đều mong tôi ngừng giết mổ động vật. Người thân từ lâu cũng khuyên tôi nghỉ bán, tìm việc khác. 

Anh em chung nghề cũng muốn nghỉ bán như tôi. Thế nên, khi biết tôi có ý định ngừng giết mổ, mọi người đều bảo 'nghỉ được thì càng tốt'. 

Thực ra, vợ chồng tôi rất yêu thương động vật. Vợ tôi rất thích nuôi chó, mèo kiểng. 

Trong quá trình buôn bán, nếu thấy con chó nào khôn, hiền thì tôi để lại nuôi. Tôi chăm sóc, tắm rửa, nuôi đàn chó rất chu đáo”, anh Cường chia sẻ.

Vợ chồng anh cũng là nạn nhân của đối tượng trộm chó, mèo. Anh xót xa khi con vật thân thương bị bắt trộm. Anh phải tự trấn an “chắc chó, mèo kiểng người ta sẽ không giết thịt” để bớt đau lòng.

16 con chó còn trong quán của anh Cường được đưa đi nơi khác chăm sóc. Ảnh: HSI

16 con chó còn trong quán của anh Cường được đưa đi nơi khác chăm sóc. Ảnh: HSI

Cách đây vài tháng, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai đến thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom xem xét tình hình buôn bán thịt chó. 

Họ đến cửa hàng bán thức ăn cho chó, mèo kiểng trong vùng để hỏi thăm. Biết anh Cường bán thịt chó, chủ cửa hàng liền dẫn cán bộ xuống tận nơi.

Anh Cường cho biết: “Cán bộ thú y đặt vấn đề, khuyên tôi ngừng kinh doanh thịt chó. Tôi thú thật với họ rằng, mình cũng muốn dẹp quán, nghỉ bán từ lâu.

Tuy nhiên, tôi còn phân vân, chưa biết phải làm gì để nuôi sống gia đình. 

Một tháng trước, tôi tìm được công việc mới nên quyết tâm nghỉ bán. Tôi liên hệ với cán bộ thú y đến đưa đàn chó đi nơi khác”.

Ngày 17/11 vừa qua, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai và thành viên tổ chức Humane Society International (HSI) đã đến quán thịt chó của anh Cường. 

Tại đây, anh Cường bàn giao 16 con chó cho đoàn công tác. Chúng sẽ được chăm sóc, triệt sản, tiêm phòng bệnh dại tại Trạm thú y TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai trong thời gian chờ chủ nuôi mới. 

Làm việc với đoàn công tác, vợ chồng anh Cường cam kết ngừng kinh doanh, giết mổ chó.

Thời gian qua, gia đình anh không có nguồn thu nhập ổn định nên khá chật vật. Tuy nhiên, anh thấy tinh thần thoải mái, thanh thản hơn trước đây.

Hiện, anh đang xin giấy phép kinh doanh gas. Anh hy vọng sớm khai trương cửa hàng và công việc vào guồng suôn sẻ, thuận lợi.