Ảnh chưa từng thấy của Kính thiên văn Euclid có thể hé lộ bí ẩn lớn của vũ trụ

Những hình ảnh đầu tiên do một kính thiên văn hiện đại ghi lại, được thiết kế để tạo ra bản đồ 3D chi tiết nhất từ trước đến nay về "mặt tối" của vũ trụ, đã được tiết lộ.

Kính thiên văn Euclid, được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên vũ trụ vào tháng 7/2023, di chuyển khoảng 1,5 triệu km từ Trái Đất đến quỹ đạo quan sát của mình. Tầm quan sát rộng của Euclid có thể thu thập dữ liệu bầu trời lớn hơn 100 lần so với những gì camera của Kính Thiên văn James Webb của NASA ghi lại.

Những hình ảnh mới của Kính thiên văn Euclid đã cho thấy vẻ đẹp mê hoặc của vũ trụ, tiềm năng và khả năng của các công cụ khoa học trang bị trên kính thiên văn cũng như mức độ chi tiết của các hình ảnh mà nó thu thập từ không gian, ESA cho hay.

Các quan sát của kính thiên văn này cũng tiết lộ những khía cạnh chưa từng thấy của vũ trụ, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính của Euclid là nghiên cứu 1/3 bầu trời trong 6 năm tới.

"Chúng tôi chưa từng thấy những hình ảnh thiên văn này trước đó khi nó chứa quá nhiều chi tiết. Chúng thậm chí còn đẹp và sắc nét hơn so với những gì chúng tôi kỳ vọng, cho thấy những đặc điểm chưa từng được quan sát trong những khu vực vốn được nghiên cứu kỹ trong vũ trụ. Hiện nay, chúng tôi đã sẵn sàng quan sát hàng tỷ thiên hà và nghiên cứu sự tiến hóa của chúng qua thời gian", nhà khoa học René Laureijs thuộc dự án Euclid của ESA nhận định trong một thông báo.

Euclid tập trung vào một số mục tiêu cho những hình ảnh khoa học đầu tiên. Kính thiên văn này đã quan sát Chòm sao Anh Tiên và 1.000 thiên hà của nó cũng như 100.000 thiên hà ở xa, với nhiều thiên hà trong số đó chưa từng được quan sát. Chùm thiên hà này - một trong những chùm thiên hà lớn nhất vũ trụ nằm cách Trái Đất 240 triệu năm ánh sáng.

Hình ảnh chùm thiên hà từ Kính thiên văn Euclid là hình ảnh đầu tiên ghi lại chi tiết đến vậy các thiên hà bên trong nó. Việc lập bản đồ hình dạng và sự phân bố của các thiên hà có thể giúp các nhà thiên văn học hiểu hơn về cấu trúc của vũ trụ.

"Với phạm vi quan sát lớn và độ nhạy cao của Euclid, các thiên hà trong Chùm thiên hà Anh Tiên có thể được quan sát tới cả những vùng xa xôi và mờ nhất. Cùng với vô số chùm thiên hà đã được phát hiện, chúng ta sẽ có cái nhìn mới về quá trình cuối của sự tiến hóa thiên hà khi các thiên hà va chạm và sáp nhập với nhau", nhà khoa học Matthias Kluge tại Viện Vật lý Ngoài Trái đất Max Planck và Đại học Ludwig Maximilian cho hay.

Ảnh chưa từng thấy của Kính thiên văn Euclid có thể hé lộ bí ẩn lớn của vũ trụ - Ảnh 1.

Hình ảnh 1.000 thiên hà trong Chòm sao Anh Tiên cùng với 100.000 thiên hà ở phía sau chòm sao này. Ảnh: ESA

Kính thiên văn này quan sát thiên hà xoắn IC342 có biệt danh là "Thiên hà ẩn nấp" bởi nó bị che khuất bởi bụi, khí và các vì sao. Euclid đã tìm thấy những chi tiết mới về những ngôi sao trong thiên hà giống với Dải Ngân hà của chúng ta bằng cách sử dụng ánh sáng hồng ngoại mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Ảnh chưa từng thấy của Kính thiên văn Euclid có thể hé lộ bí ẩn lớn của vũ trụ - Ảnh 2.

Thiên hà xoắn IC342. Ảnh: ESA

Kính thiên văn Euclid mang đến những hình ảnh góc rộng có độ chi tiết cao về Tinh vân Đầu ngựa, nằm trong chòm sao Lạp Hộ. Tinh vân này bao gồm một đám mây bụi và khí khổng lồ, đóng vai trò như một vườn ươm sao và chứa những hành tinh trẻ có thể thấy mờ mờ.

Ảnh chưa từng thấy của Kính thiên văn Euclid có thể hé lộ bí ẩn lớn của vũ trụ - Ảnh 3.

Tinh vân Đầu ngựa. ẢNh: ESA

NGC 6822 là một mục tiêu quan sát của Euclid. Đây là một thiên hà lùn nằm cách Trái Đất 1,6 triệu năm ánh sáng.

Ảnh chưa từng thấy của Kính thiên văn Euclid có thể hé lộ bí ẩn lớn của vũ trụ - Ảnh 4.

Thiên hà lùn NGC 6822. Ảnh: ESA

Kính thiên văn Euclid cũng quan sát cụm sao NGC 6397 nằm cách Trái Đất 7.800 năm ánh sáng. Euclid hiện là kính thiên văn duy nhất có thể quan sát toàn bộ một cụm sao khổng lồ trong một lần quan sát, đồng thời xác định có bao nhiêu ngôi sao tồn tại trong đó.

Ảnh chưa từng thấy của Kính thiên văn Euclid có thể hé lộ bí ẩn lớn của vũ trụ - Ảnh 5.

Cụm sao NGC 6397. Ảnh: ESA

"Dữ liệu ban đầu từ Euclid thật đáng kinh ngạc. Với tầm quan sát lớn, sự rõ ràng và độ nhạy của các công cụ, chúng ta có thể phát hiện ra nhiều chi tiết mới trong các thiên hà ở phạm vi rộng hơn so với trước đó", Koshy George - học giả nghiên cứu về sự hình thành cấu trúc và vũ trụ học tại Đại học Ludwig Maximilian ở Munich cho hay.

Nhiệm vụ chính của Euclid là quan sát vật chất tối và năng lượng tối cũng như tạo ra bản đồ 3 chiều chính xác và lớn nhất về vũ trụ. Trong khi vật chất tối chưa thực sự được phát hiện thì nó được cho là chiếm tới 85% tổng số vật chất trong vũ trụ. Trong khi đó, năng lượng tối là một nhân tố bí ẩn đóng vai trò trong việc tăng tốc sự mở rộng của vũ trụ.

Việc giải mã bản chất thực sự của năng lượng tối và vật chất tối có thể giúp các nhà khoa học hiểu vũ trụ được tạo từ những gì, sự mở rộng của nó thay đổi thế nào qua thời gian cũng như hiểu hơn về lực hấp dẫn.

"Euclid sẽ tạo nên bước nhảy vọt trong hiểu biết của chúng ta về vũ trụ nói chung và những hình ảnh của nó cho thấy sứ mệnh này sẵn sàng giúp giải đáp một trong những bí ẩn lớn nhất của vật lý hiện đại", Carole Mundell, Giám đốc Khoa học của ESA nhận định.

Theo: CNN