Rất nhiều người “có lẽ” không ý thức được rằng tri thức cần phải được trả phí.
Một hôm L. bỗng nhận được một cuộc điện thoại, là chồng của một bạn học cũ gọi cho cô, bạn học cũ đó vốn dĩ đã không thân, chồng của bạn học L. lại càng không thân. Anh ta có một tập tài liệu tiếng Nhật cần phiên dịch, biết được L. học tiếng Nhất nên tìm đến. Đó là tài liệu liên quan tới radio, L. nói: "Cái đó chuyên ngành quá! Đến tiếng Việt tôi còn đọc không hiểu", anh ta nói: "Không sao, cậu cứ xem qua trước đã."
Ngày hôm sau, email tới, rồi sau đó là một cuộc điện thoại: "Cậu cứ dịch đại ý thôi cũng được", L. nói: "Tiếng Nhật của tôi kém quá, để tôi giới thiệu cho cậu một công ty chuyên nghiệp nhé", chồng của đồng nghiệp không vui: "Vậy thì thôi!".
Những tình huống như này xảy ra rất nhiều lần, lần nào cũng hi vọng "cậu cứ xem qua là được", "hôm khác tôi mời cậu một bữa" …
Những phiền não mà L. gặp phải rất thực tế, khi "bạn bè" lợi dụng chuyên ngành và thứ bạn giỏi để giải quyết vấn đề, làm sao để nói chuyện tiền bạc với họ một cách tế nhị và nho nhã? Bạn và đối phương không thân quen, xa lạ đến cả hàng chục km, đối phương chỉ muốn lợi dụng chuyên ngành của bạn để làm việc, nhưng lại không muốn nói chuyện thù lao, phải làm sao?
Đối phương là đang lợi dụng cái "Ngại…" của bạn.
Rất nhiều người "có lẽ" không ý thức được rằng tri thức cần phải được trả phí.
G. làm việc trong ngành quảng cáo, có một lần, lãnh đạo của công ty cũ tìm đến anh ấy, nói rằng có một hạng mục muốn anh ấy làm cùng. G. nghĩ rằng nếu là sếp cũ thì cứ làm thôi, chắc không phải chịu thiệt đâu, nên cũng không hỏi gì nhiều, còn cùng lãnh đạo đi công tác xa một chuyến.
Sau khi về. G. viết một phần của phương án, vài ngày sau, lãnh đạo cũ lại bảo anh ấy làm những phần khác của phương án, mà vẫn không hề nhắc tới chuyện thù lao. Nhưng lần này, G. đã từ chối khéo, lãnh đạo sau đó cũng biến mất. G. tổng kết ra một điều rằng: "Nhiều khi, đối phương hay lợi dụng cái "ngại" của bạn, mà "ngại" đồng nghĩa với việc chịu thiệt thòi."
X. làm việc trong ngành truyền thông, có một chị khóa trên giới thiệu cho X. công việc lên kế hoạch cho một tiết mục truyền hình. Mỗi ngày, X. đều phải mất hơn 30 phút đến đài để họp, thức đêm mấy hôm liền để viết cho xong kế hoạch. Vì là người quen giới thiệu, nên một người vừa mới tốt nghiệp như X. ngại hỏi chuyện thù lao.
Mãi tới khi 2 tuần rồi vẫn không thấy tiết mục được phát sóng, lúc này hỏi ra mới biết tiết mục đã bị hủy bỏ. Còn về thù lao của X. cũng không có ai nhắc tới. Tình huống như này xảy ra một vài lần, X. dần dần tránh xa chị khóa trên đó…
Nói chuyện tiền bạc với "bạn bè" là một vấn đề vô cùng tế nhị và nhạy cảm, muốn làm sao cho "nhã nhặn" lại càng khó hơn.
Tác giả của cuốn "Phi lý trí" có chỉ ra rằng, chúng ta cùng một lúc sống ở hai thế giới, một một thế giới bị chi phối bởi các quy tắc xã hội và thế giới khác bị chi phối bởi các quy tắc thị trường. Thế giới trước thường không rõ ràng, không yêu cầu "thù lao" ngay lập tức, chẳng hạn, chúng ta nhờ hàng xóm khiêng giúp chiếc sofa, điều này không có nghĩa là anh ta ngay lập tức phải sang giúp bạn khiêng. Thế giới sau rõ ràng, trao đổi rạch ròi, bắt buộc phải tiền trao cháo múc, ví dụ, nhờ hàng xóm của bạn (tình cờ là một luật sư) trong lúc bạn đi nghỉ mát sang nhà lấy hộ bạn thư thì được, nhưng bảo anh ta làm hộ bạn cái hợp đồng miễn phí thì lại không được.
Điều cần chú ý đó là, giữa người với người một khi từ quy phạm xã hội bước vào quy phạm thị trường thì những cái gọi là "quan hệ ấm áp, thân thiết" sẽ không còn tồn tại nữa. Tiếc là không nhiều người ý thức được điều này. Xã hội truyền thống xem trọng quan hệ láng giềng và huyết thống, thậm chí còn đem "gửi" đồ chưa ăn hết sang nhà hàng xóm, làm vậy an toàn hơn để ở nhà, sau này kiểu gì cũng thu lại được cái gì đó, dẫu sao thì "hòa thượng chạy được thì chùa vẫn còn đó", hơn nữa, trong văn hóa tập thể, chúng ta rất để tâm tới đánh giá của người khác, trong quy tắc trò chơi này, bất luận đứng từ lợi ích lâu dài hay tình cảm đạo đức để xem xét, chúng ta cũng đều sẽ luôn "ngại".
Q. là một luật sư, có quen biết với một chủ mỏ giàu có, chủ mỏ đó cứ rảnh rỗi lại tìm Q. để "nói chuyện", "tiện thể" nhờ cô xem giúp hợp đồng, sau đó sẽ "trả thù lao" bằng 2 từ "cảm ơn". Cuối cùng, có một lần, hợp đồng lại được gửi đến, Q. báo giá trước, đối phương không phản đối cũng không đồng ý. Sau khi làm xong hợp đồng gửi lại cho chủ mỏ kia, đối phương nắn lại một câu: "Đắt quá, không trả được."
Là một nhà tâm lý học, Wang Bing, tiến sĩ viện sức khỏe tâm thần Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc chia sẻ rằng đối mắt với những trường hợp như vậy, trực tiếp từ chối, đơn giản như vậy là cách tốt hơn cả: "Khi bạn và đối phương đã đến nước này, đối phương hẳn là cũng không còn "mặn mà" gì với bạn, vậy thì bạn cũng không nhất thiết phải duy trì mối quan hệ này."
Có thể sẽ có người hỏi, trực tiếp như vậy, có khi nào khiến đối phương cảm thấy bị tổn thương? "Chúng ta không nỡ từ chối hoặc muốn nói chuyện tiền bạc một cách tế nhị, thực ra cũng chỉ vì không muốn làm đối phương tổn thương, hoặc là không muốn hình tượng của mình bị sụp đổ. Nhưng trên thực tế, bạn không hề làm tổn thương đối phương, ngược lại, là họ đưa ra yêu cầu không hợp lý, làm tổn thương bạn trước", Wang Bing nói.
Là một nhà tâm lý, người đến tìm Wang Bing tư vấn không ít. Thông thường, anh cũng không nói đến vấn đề tiền bạc, sẽ giúp đối phương vài lần trước đã rồi sau đó từ chối.
Từ chối một việc không có nghĩa là từ chối một người.
Thực ra, có không ít người lựa chọn "phản kháng".
T, là một sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học, ngoài ra rất thích viết kịch bản. "Có một bạn học nhờ tôi sửa kịch bản, tôi nói tôi bận viết luận, không có thời gian, đây là sự thực."
Chồng của C. là một kiến trúc sư, bạn của mẹ có một lần nói với cô ấy rằng: "Hai vợ chồng bác định sau khi nghỉ hưu sẽ về quê sống, bảo chồng cháu thiết kế cho hai bác căn biệt thự với!", C nghiêm túc hỏi: "Bác trả bao nhiêu phí thiết kế?"
D. là một nhân viên PR của một công ty, có một lần, một người bạn nhờ cô ấy viết hộ kế hoạch truyền thông. Cô ấy lấy lý do là "Cậu làm sao có thể đưa thông tin bí mật của bên A cho tớ xem như vậy, cái này không hợp với quy tắc làm việc của ngành tớ", đường đường chính chính từ chối người bạn đó.
Wang Bing cho rằng, những người trẻ này dám nói "Không", đó là bởi định nghĩa của họ về "ích kỷ" khác so với thế hệ trước. Trước kia, chúng ta cho rằng ích kỷ là "chỉ nghĩ đến mình", nhưng người trẻ hiện nay lại cho rằng ích kỷ là "vì bản thân, không hại đến ai khác là được".
Muốn "nho nhã" nói chuyện tiền bạc, trước tiên phải hiểu một cách chính xác từ chối là gì. Wang Bing nhấn mạnh, "từ chối một chuyện không có nghĩa là từ chối một người", tiếc rằng, nó lại thường được hiểu là "khi tôi có việc, anh không giúp tôi, nghĩa là sẽ không bao giờ giúp tôi nữa". Bạn có thể từ chối khéo, chẳng hạn, bạn có thể nói "Xin lỗi, dạo này tôi hơi nhiều việc, khoảng 1 tháng sau thì ok, cậu có đợi tới lúc đó được không?", hoặc nói với đối phương hạng mục này bạn lấy bao nhiêu tiền phí, nhưng có thể giảm giá cho họ…
"Khi nhờ giúp đỡ, đối phương có muốn trả bạn tiền hay không, điều đó không quan trọng, quan trọng là để họ biết giá trị của bạn", Wang Bing nói. "Nếu một người bạn chỉ nhờ bạn giúp đỡ mà không bao giờ nói đến chuyện thù lao, thực ra là đang không ngừng mạo phạm đến đường biên giới của bạn, vậy thì cũng không phải là bạn bè thực sự, bạn có thể xem xét có nên giữ mối quan hệ này không."
Theo Trí Thức Trẻ