Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa cứu sống bệnh nhi 28 tháng tuổi bị rơi một dây chuyền bạc dài 14cm trong khí phế quản.
Sợi dây chuyền dài 14cm được gắp ra trong khí phế quản bệnh nhi
Tối 30/7, bệnh nhi Nguyễn Đức Thiện H. 28 tháng tuổi, ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên nhập viện trong tình trạng tức ngực, khó thở, ho sặc sụa. Theo lời kể của người nhà, cháu H. đang chơi, bỗng nhiên thấy ho khan, nghẹn, khó thở, người nhà phát hiện bị mất vòng bạc ở tay nên nghi ngờ cháu đã nuốt, gia đình liền đưa cháu ra nhập viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, sau khi thăm khám và chụp phim XQ, các bác sỹ phát hiện hình ảnh cản quang bất thường. Ngay lập tức bệnh nhi được chuyển thẳng lên Khoa Gây mê hồi sức, nội soi và phát hiện dị vật nằm ở khí quản và phế quản gốc bên phải.
Hình ảnh di vật trên phim XQuang
Các bác sĩ đã tiến hành gắp ra 1 sợi dây chuyền bạc có kích thước dài 14cm ra ngoài. Sau khi gắp dị vật, bệnh nhân đỡ khó thở, nghe phổi hết tiếng rít, da môi hồng. Hiện tại, bệnh nhi chơi ngoan, hết khó thở, nói chuyện bình thường và dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sỹ Trần Xuân Sơn, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng cho biết, thời gian vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp nhận nhiều ca suy hô hấp do dị vật đường thở ở trẻ em, trong đó có những ca rất nặng do người nhà đưa vào viện muộn. Do vậy các bậc phụ huynh cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để nhận biết các trường hợp hóc dị vật một cách sớm nhất, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra
Bác sỹ Sơn khuyến cáo: Dị vật đường thở, đường ăn là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em từ 1 - 3 tuổi. Vì vậy, người lớn khi thấy trẻ đang ăn, chơi, đột ngột ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, mặt tím tái, thở khó thì phải nghĩ ngay đến trẻ bị hóc dị vật và cho bé đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo baohatinh.vn