“Hấp tấp” khởi nghiệp, thiệt hại 5 tỷ đồng
Lê Minh Cương (sinh năm 1992, quê ở Thanh Hóa) từng là du học sinh của Học viện EASB Singapore chuyên ngành Quản trị du lịch và khách sạn. Sau khi kết thúc thời gian học tập tại nước ngoài, chàng trai trở về Sài Gòn làm việc trong lĩnh vực giáo dục rồi may mặc.
Năm 2016, Cương “bỏ phố về quê”, rời Sài Gòn về Thanh Hóa lập nghiệp. Cậu quyết định tìm hiểu nông nghiệp, ấp ủ khởi nghiệp một sản phẩm nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
“Thằng này đi du học, làm ở Sài Gòn, chỗ nọ chỗ kia rồi mà lại về…” là lời nhận xét “sau lưng” về Minh Cương. Thế nhưng bản thân nuôi dưỡng một khát vọng và sự kiên trì khởi nghiệp từ nông nghiệp. Vì lẽ đó, khi thất bại 2 lần, Cương vẫn không bị chạnh lòng bởi những lời nhận xét xung quanh. Vì chàng trai này tin, mình sẽ làm được!
Thanh niên 9x ấp ủ khởi nghiệp sản phẩm từ nông nghiệp.
Lần đầu tiên, Minh Cương khởi nghiệp đầu tư, góp vốn cùng bà con mở tiệm nông sản sạch. Không “khởi sắc”, anh chàng chuyển sang sản xuất các sản phẩm từ dầu gấc, nước uống từ gấc.
Minh Cương và gia đình vừa dốc hết số vốn đã tiết kiệm từ trước, vừa đi vay thêm để đầu tư. Tổng số vốn bỏ ra là 5 tỷ đồng trong lần khởi nghiệp thứ 2 vào cuối năm 2016. 3 năm sau, chàng trai 9x chịu tổn thất lớn, phá sản, lao lực bởi những nguyên nhân như không chuyên trong ngành thực phẩm, không quản được nhân sự quản lý chất lượng, thiếu kỹ năng quản trị nên nhân viên không phục, không tham khảo thị trường nên hàng tồn, làm ra không bán được - thất bại lần 2.
Ôm cục nợ do bị phá sản, Minh Cương xoay sở làm đủ thứ để có thể kiếm được tiền như bán nước ép trái cây, đồ khô, đồ sấy, nấu chè, bán đồ ăn vặt… để tích góp trả nợ.
“Khởi sắc” từ cây ớt
Nén lại áp lực, lo âu trả nợ, Minh Cương vực lại tinh thần và quyết tâm đầu tư về kiến thức, thời gian, nghiên cứu để khởi nghiệp lần 3.
Ban đầu, chàng trai 9x nhận thấy quê mình trồng ớt rất nhiều, mà năm 2019 giá ớt không cao, bà con bỏ đi không làm nữa. “Ớt là cây trồng tốt vào mùa đông nên năm nào mọi người cũng trồng nhưng giá ớt bấp bênh, có năm thu lãi tốt có năm vứt đi. Nhiều năm liền phụ thuộc thương lái, có năm họ không trả tiền. Mình nghĩ, một loại gia vị trồng ở quê mình năng suất tốt, chất lượng tốt, tại sao lại không thể phát triển và chế biến?
Tự đặt câu hỏi từ chính sản phẩm thường ngày sử dụng: Làm sao để có được gia vị sạch cho người dùng, tương ớt không có phụ gia? Mình đã bắt đầu khởi nghiệp lần 3 với số vốn 45 triệu đồng để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó”.
Quyết định khởi nghiệp lần 3, Minh Cương hướng đến giải quyết nông sản cho bà con và mô hình bền vững nông trường - nhà máy, tạo ra gia vị tốt hơn cho sức khỏe người dùng, giữ gìn văn hoá cha ông trong ẩm thực và hình ảnh.
“Tương ớt làm theo hướng cổ truyền, lên men truyền thống, gần như chưa ai làm ở đây, ngoài Bắc giờ ít người làm. Mình tìm hiểu rồi mày mò thì ra. Mình mất 47 mẻ vứt đi, mẻ 48 thì đạt, tổng thử nghiệm trong 4 tháng và hoàn toàn từ nguyên liệu quê hương”, Cương kể.
"Tương ớt tự nhiên thì lại để được ngắn ngày nên khách cũng trả lại nhiều do lên men. Mình tìm hiểu thì tìm ra phương pháp tiệt trùng nhiệt lên đến 120 độ, có thể để 1-2 năm".
Thanh niên nông thôn không chọn đại học, học chăn nuôi, khởi nghiệp từ bò 3B
Xuất phát từ gia đình thuần nông, ngay từ khi học lớp 10, Đặng Đình Hợp (sinh năm 1998, ở Tân Lập, Thanh Sơn, Phú Thọ) đã nung nấu ý định khởi nghiệp tại quê hương, mong muốn làm giàu từ chính nền tảng nông nghiệp sẵn có.
Với số vốn 53 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thanh Sơn và vốn từ gia đình, Hợp đầu tư phát triển mô hình VAC (vườn-ao-chuồng).
Hợp chọn giống bò 3B thương phẩm là hướng phát triển chủ yếu, kết hợp trồng trọt các loại cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm, sử dụng diện tích mặt nước sẵn có để nuôi các giống cá cho năng suất cao.
Hiện Đình Hợp đã và đang duy trì mô hình phát triển trên được hơn 3 năm và dần chứng tỏ được sự lựa chọn khởi nghiệp từ nghề nông là đúng đắn và có cơ sở, thu nhập khá mỗi năm.
"Tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với mô hình chăn nuôi, nhưng mình vẫn quyết theo đuổi, sau đó dần ổn định hơn", Đình Hợp nói.
Đình Hợp chọn bò 3B là hướng phát triển chủ yếu. Khởi nghiệp từ nông nghiệp, khó hay dễ?
Tiến sĩ Chu Đức Hà (chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp) hiện là giảng viên khoa Công nghệ Nông nghiệp, ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: "Khởi nghiệp chưa bao giờ là một hành trình dễ dàng, kể cả với những người giàu kinh nghiệm và tự tin.
Khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp sạch lại càng là một vấn đề thực sự khó khăn, bởi lẽ, để cái “cây” hay “con” đó từ trong ý tưởng trên những tờ giấy A4 đến được bàn ăn của người tiêu dùng là một câu chuyện dài hơi và tiêu tốn rất nhiều nguồn lực (tài chính, nhân lực, kiến thức chuyên môn).
Tôi thực sự khâm phục nỗ lực và ý chí mạnh mẽ của các bạn trẻ, đó là một dẫn chứng rõ nét của bản lĩnh thanh niên thế hệ mới - “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Dấn thân vào làm nông nghiệp, từ xưa đến nay, luôn là một chuyện rất đau đầu, bởi lẽ canh tác nông nghiệp ở nước ta luôn chịu ảnh hưởng rất lớn từ các điều kiện ngoại cảnh bất thuận gây ra bởi biến đổi khí hậu. Mặc dù còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là trong bối cảnh ứng phó với diễn biến phức tạp của COVID-19, nhưng tôi tin rằng nhiều bạn trẻ hoài bão khác sẽ được tiếp thêm nghị lực trên con đường khởi nghiệp từ chính những sản phẩm truyền thống của quê hương mình".
Với câu hỏi, bạn trẻ ngày nay nên có định hướng ban đầu ra sao? Tiến sĩ Chu Đức Hà cho biết, có đến hàng ngàn câu châm ngôn hay để truyền cảm hứng trong khởi nghiệp, nhưng ông cho rằng chưa có câu nói nào đủ sức lột tả bức tranh rõ nét về khởi nghiệp của các bạn trẻ.
"Rất nhiều sinh viên háo hức khởi nghiệp với mong muốn kiếm thật nhiều tiền, bước chân ra khỏi phòng trọ được gọi là ông chủ. Vì thế, tôi nghĩ rằng, bạn trẻ ngày nay phải hình thành, hoặc được định hướng về một mục tiêu rất rõ ràng, khi đó bản thân sẽ toàn tâm toàn ý và dồn hết nghị lực để thực hiện mục tiêu đó", Tiến sĩ Chu Đức Hà nói.