Dự báo bão Kirk tăng cấp liên tục, dự báo mạnh thứ 3 năm 2024
Theo tin bão mới nhất của Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, bão Kirk đạt đến trạng thái bão cấp 3 ngày 2/10. Cơn bão cách quần đảo Lesser Antilles khoảng 1.855 km về phía đông đông bắc với sức gió duy trì tối đa 195 km/h.
Đáng nói, cơn bão mới nhất ở Đại Tây Dương đang di chuyển về phía tây bắc với tốc độ 19 km/h. Dự báo, trong tuần này, bão Kirk sẽ dần chuyển hướng về phía bắc tây bắc, sau đó đi về phía bắc.
Những đợt sóng lớn do cơn bão Kirk gây ra có thể ảnh hưởng tới một số khu vực của quần đảo Leeward và Bermuda vào cuối tuần này.
Kirk từ áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão nhiệt đới ngày 30/9, sau đó mạnh lên thành bão cấp 1 chiều 1/10.
Nhà dự báo bão Brooke Silverang của WPBF 25 Certified First Warning nhận định, bão Kirk có khả năng trở thành cơn bão lớn thứ 3 trong mùa bão 2024, sau Beryl và Helene.
Bão Kirk hình thành và mạnh lên chóng vánh khi nhiều người dân ở đông nam của Mỹ vẫn chưa có nước sạch, dịch vụ điện thoại di động và điện, trong khi lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm những người mất tích sau khi bão Helene đổ bộ vào tuần trước với cường độ bão cấp 4 và để lại nhiều thương vong cùng thiệt hại thảm khốc.
Lao Động dẫn nguồn Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ cũng lưu ý, bão Kirk đang mạnh lên và dự kiến sẽ lớn hơn, trở thành một cơn bão cuồng phong lớn và dữ dội.
Chia sẻ về cơn bão này, chuyên gia dự báo bão Michael Lowry tại WPLG Local 10 ở Miami, Mỹ, cho hay, dù bão Kirk sẽ chuyển hướng về phía bắc và ở trên Đại Tây Dương, nhưng những đợt sóng lớn kéo dài từ cơn bão lớn này có thể lan đến tận bờ biển phía đông của Mỹ, từ trung Đại Tây Dương đến các khu vực ven biển vùng đông bắc, từ đầu đến giữa tuần tới.
Ngoài bão Kirk, Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ đang theo dõi một rãnh áp thấp rộng gây ra mưa rào và giông bão trên diện rộng ở khu vực từ biển Caribe đến phía nam Vịnh Mexico.
Các nhà dự báo thời tiết nhận định, điều kiện môi trường có thể giúp áp thấp này mạnh lên và một áp thấp nhiệt đới có thể hình thành vào cuối tuần khi hệ thống này di chuyển hoàn toàn vào Vịnh Mexico.
Một áp thấp khác ở phía đông Đại Tây Dương nhiệt đới đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới 13 từ ngày 30/9. Ngày 2/10, nhà dự báo bão Philip Klotzbach của Đại học Bang Colorado cho hay, áp thấp nhiệt đới này đã mạnh lên thành bão Leslie, trở thành cơn bão thứ 5 hình thành từ ngày 24/9, sau Helene, Isaac, Joyce, Kirk. Đây là kỷ lục về số cơn bão trong khoảng thời gian từ 24/9 đến 2/10, vượt qua kỷ lục trước đó là 3 cơn bão.
Dự báo bão lớn như Helene xuất hiện dồn dập
Trong dự báo đầu mùa bão 2024, các chuyên gia nhận định đây là một mùa bão cực kỳ dữ dội. Mới đây nhất, bão cấp 4 Helene càn quét khắp khu vực đông nam của Mỹ vào tuần trước đã chấm dứt kỳ vọng về một mùa bão yên tĩnh.
Đặc biệt, mùa bão còn khá dài, với "tháng 10 vốn là một tháng bão hoạt động mạnh, đặc biệt là ở Biển Caribe, Vịnh Mexico và ngoài khơi bờ biển đông nam Mỹ" - Brian McNoldy, chuyên gia nghiên cứu bão tại Trường Rosenstiel, Đại học Miami, Mỹ, nói.
Trong khi đó, chuyên gia dự báo bão Michael Lowry tại cơ quan dự báo WPLG Local 10 ở Miami, Mỹ, nhận định, dự kiến "sẽ có sự trở lại của các cơn bão cuồng phong lớn trong tuần đầu tiên của tháng 10", ông nêu trong bản cập nhật hằng ngày ngày 1/10.
Ông Brian McNoldy cũng chỉ ra, những tên bão đổ bộ gây thiệt hại thảm khốc thường bị loại khỏi danh sách tên bão kể từ năm 1953.
Khả năng Biển Đông xuất hiện 5 cơn bão trong 3 tháng cuối năm
Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, ENSO đang ở trạng thái trung tính khi nhiệt độ mặt nước biển khu vực xích đạo và trung tâm Thái Bình Dương từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9 khoảng âm 0,5 độ C.
Dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong ba tháng 10-12 với xác suất 50-70%. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, tức 4-5 cơn trên Biển Đông và 2-3 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Ngoài ra, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, La Nina sẽ tiếp diễn trong 3 tháng cuối năm 2024, khiến bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông diễn biến phức tạp và có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm 1,9 cơn, tập trung vào Trung Bộ và phía Nam. "Cần đề phòng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên Biển Đông".