Vụ việc gây chấn động dư luận vừa xảy ra tại một trường tiểu học ở thành phố Ôn Lĩnh, thị Thái Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Một giáo viên thể dục đã bị điều tra sau khi phạt học sinh bằng hình thức squat (bài tập đứng lên – ngồi xuống và sử dụng nhiều nhóm cơ khác nhau trên cơ thể như cơ đùi, cơ mông, hông) quá mức, khiến nhiều em phải nhập viện.
Theo truyền thông địa phương, vào ngày xảy ra sự việc, không hài lòng với kết quả bài kiểm tra nhảy dây của học sinh lớp 5, vị giáo viên thể dục đã yêu cầu các em thực hiện bài tập squat với cường độ cao. Cụ thể, các em phải thực hiện squat liên tục 3 hiệp, mỗi hiệp 100 lần.
Mặc dù giáo viên đã cho học sinh nghỉ giữa các hiệp và không ép buộc những em không thể hoàn thành nhưng hậu quả vẫn rất nghiêm trọng. Nhiều phụ huynh đã đưa con em mình đến bệnh viện kiểm tra và phát hiện một số trường hợp mắc hội chứng tiêu cơ vân cấp tính, một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến suy thận.
Hai ngày sau đó, giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo với nhà trường rằng, có thêm học sinh phải nhập viện do đau chân. Hiện tại, vẫn còn 3 học sinh đang được điều trị tại bệnh viện.
Vụ việc chỉ được công chúng biết khi một đoạn video về sự việc được đăng tải trên mạng xã hội. Ngay lập tức, nó đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng.
Phản ứng trước sự việc, Sở Giáo dục thành phố Ôn Lĩnh đã thành lập một nhóm điều tra đặc biệt. Nhà trường cũng đã tiến hành điều tra toàn diện, báo cáo với các cơ quan chức năng và chủ động liên hệ với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình.
Trong một thông báo chính thức, nhà trường cam kết sẽ xử lý vụ việc theo đúng quy định pháp luật dựa trên kết quả điều tra. Đồng thời, họ cũng hứa sẽ tăng cường quản lý hoạt động giảng dạy để ngăn chặn các sự cố tương tự trong tương lai.
Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về vấn nạn bạo lực học đường tại Trung Quốc, đặc biệt là các hình thức kỷ luật quá mức trong môi trường giáo dục. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo giáo viên về phương pháp giảng dạy và kỷ luật phù hợp, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh.