Báu vật đại ngàn: Loài động vật cực kỳ quý hiếm, trên đầu chứa thứ đắt hơn vàng, từng sống ở Việt Nam

Tiếc rằng, loài động vật này đã tuyệt chủng tại Việt Nam, theo IUCN.

Loài động vật đó chính là tê giác.

ICE - cơ quan điều tra lớn nhất của Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) thông tin, giới săn trộm thường ngầm hiểu với nhau rằng một kg sừng tê giác có giá trị hơn cả vàng cùng khối lượng. Điều này khiến loài động vật nặng cỡ vài tấn này trở thành mục tiêu chính của những kẻ săn trộm quy mô toàn cầu.

Báu vật đại ngàn: Loài động vật cực kỳ quý hiếm, trên đầu chứa thứ đắt hơn vàng, từng sống ở Việt Nam- Ảnh 1.

Sừng tê giác có cấu trúc tương tự như móng ngựa, mỏ rùa và mỏ vẹt mào. Ảnh: Rhinos.org

Sừng tê giác được sử dụng trong y học phương Đông truyền thống, nhưng ngày càng phổ biến hơn khi nó được sử dụng như một biểu tượng địa vị để thể hiện cho sự thành công và độ giàu có khó người sánh bằng.

Bởi vậy, tổ chức Save the Rhino International (Anh) - tổ chức từ thiện bảo tồn tê giác đơn loài lớn nhất châu Âu - nhận định săn trộm hiện là mối đe dọa ở tất cả các quốc gia có tê giác sinh sống. Điều này khiến số lượng các loài tê giác bên bờ tuyệt chủng.

Tất cả 5 loài tê giác còn sinh tồn trên Trái đất (2 loài ở châu Phi và 3 loài ở Nam Á) đều được Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phân hạng từ Ít quan tâm (LC) đến Sắp bị đe dọa (LC) và Cực kỳ nguy cấp (CR).

Báu vật đại ngàn: Loài động vật cực kỳ quý hiếm, trên đầu chứa thứ đắt hơn vàng, từng sống ở Việt Nam- Ảnh 2.

Tên của 5 loài tê giác còn tồn tại trên Trái đất ngày nay, trong đó, tê giác Sumatra đối mặt nguy cơ tuyệt chùng hoàn toàn trong tự nhiên lớn nhất. Nguồn: International Rhino Foundation

Trong số đó loài tê giác Sumatra được Sách Đỏ IUCN phân hạng CR - đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên rất lớn. 

Theo cập nhật mới nhất của IUCN, số lượng cá thể của tê giác Sumatra trên toàn thế giới chưa đến 50 con. So với 4 loài tê giác còn lại, tê giác Sumatra trở nên cực kỳ quý hiếm vì số cá thể này còn tiếp tục giảm, bất chấp những nỗ lực bảo vệ quy mô toàn cầu.

Điều đáng nói, tê giác là một trong những động vật bị săn giết tàn bạo nhất trên thế giới. Chúng thường phải chịu những vết thương khủng khiếp do súng bắn, rìu hoặc dao rựa.

"Nhiều năm trước, khi ở châu Phi, chúng tôi đã bắt gặp một con tê giác bị cắt mất đầu. Thông thường, những kẻ săn trộm dùng súng gây mê để hạ gục tê giác trước khi cắt sừng. Khi tê giác tỉnh dậy, chúng sẽ chảy máu đến chết. Đau đớn và chậm rãi" - Đặc vụ Kyle Maher của Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HSI) cho biết.

Tê giác Sumatra - Báu vật của Indonesia, đã tuyệt chủng tại Việt Nam

Theo dữ liệu của Worldwildlife, tê giác Sumatra (danh pháp khoa học: Dicerorhinus sumatrensis) là loài tê giác nhỏ nhất còn sống và là loài tê giác châu Á duy nhất có hai sừng. Chúng cũng là loài sống sót cuối cùng trong cùng một nhóm với loài Tê giác lông mịn đã tuyệt chủng.

Quỹ Tê giác Quốc tế (IRF) cho biết, cặp sừng của tê giác Sumatra có độ dài/kích thước chênh lệch nhau. Sừng trước lớn hơn và dài từ 25–79 cm. Sừng thứ hai nhỏ hơn, chỉ dài khoảng 10 cm. Về kích thước cơ thể, loài động vật này nặng từ 600 kg đến 1 tấn, cao khoảng 1,5 mét và dài đến 3 mét.

Tê giác Sumatra sống trong rừng nhiệt đới rậm rạp, cả vùng đất thấp và vùng cao. Loài này là loài ăn tạp và kiếm ăn cơ hội với chế độ ăn rất đa dạng, có thể bao gồm hơn 100 loài thực vật khác nhau.

Trong tự nhiên, tê giác Sumatra sống thọ từ 35 đến 40 năm. Trừ mùa sinh sản, những cư dân của rừng nhiệt đới này thường sống đơn độc, đặc biệt là con đực. Phạm vi sinh sống của con đực lên tới 5.000 ha, con cái là 1.000–1.500 ha.

Báu vật đại ngàn: Loài động vật cực kỳ quý hiếm, trên đầu chứa thứ đắt hơn vàng, từng sống ở Việt Nam- Ảnh 3.

Tê giác Sumatra từng lang thang xa đến tận chân đồi phía Đông dãy Himalaya ở Bhutan, Bangladesh, miền Đông Ấn Độ, đến Myanmar, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, xuống phía nam của Malaysia. 

Tuy nhiên, cả 9 quốc gia này đều phải tuyên bố loài tê giác Sumatra đã tuyệt chủng hoàn toàn. Ngày nay, tê giác Sumatra chỉ còn tồn tại duy nhất tại Indonesia, trên hòn đảo Sumatra của nước này. 

Nhóm chuyên gia về tê giác châu Á (AsRSG) của IUCN báo cáo rằng có 4 quần thể biệt lập và 10 phân quần thể tê giác Sumatra còn sót lại ở Indonesia. Tuy nhiên, chỉ một trong những quần thể hoang dã này, ở Vườn quốc gia Gunung Leuser nằm tại phía bắc đảo Sumatra, được cho là có đủ cá thể để có thể tồn tại. 

"Sự không chắc chắn" và "đã từng" là từ khóa thường xuyên xuất hiện trong quán trình các chuyên gia theo dõi xu hướng dân số của tê giác Sumatra theo thời gian. Khi loài động vật sống ẩn dật này dường như biến mất sâu hơn vào những khu rừng rậm rạp, việc nhìn thấy chúng trực tiếp trở nên hiếm hoi hơn bao giờ hết.

Chính phủ Indonesia báo cáo rằng tổng số tê giác Sumatra không quá 80 con, trong khi AsRSG của IUCN chỉ rõ rằng số lượng thực tế của tê giác Sumatra có thể chỉ khoảng 34-47 cá thể và không có phân quần thể nào có hơn 30 con tê giác, Quỹ Tê giác Quốc tế (IRF) thông tin.

Theo IUCN, ba mối đe dọa chính đối với loài tê giác Sumatra trên khắp đảo Sumatra là tác động của quần thể nhỏ (đơn cử như Hiệu ứng Allee khi số lượng con cái nhiều hơn con đực; hoặc giao phối cận huyết); sự quấy nhiễu của con người (đến từ việc săn bắt chim, đánh bắt cá bất hợp pháp, thu thập gỗ trầm hương); và nạn săn trộm chính tê giác Sumatra để lấy sừng.

Sừng tê giác có cấu trúc tương tự như móng ngựa, mỏ rùa và mỏ vẹt mào. Chúng được tạo thành từ keratin – trong sừng tê giác. Keratin khá phức tạp về mặt hóa học và chứa một lượng lớn các axit amin chứa lưu huỳnh.

Điều đáng nói, sừng tê giác có thể mọc lại tự nhiên như tóc con người. Và giới chuyên khoa đề xuất rằng, có thể lấy phần sừng tê giác một cách an toàn và nhân đạo (nhằm ngăn chặn bọn trộm giết tê giác chỉ để lấy sừng). Quá trình này giống như cắt móng tay của con người vậy.

Elliot Harbin - Quản lý chương trình Tội phạm môi trường thuộc Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa (HSI) Mỹ cho biết.

Nhiều thế kỷ săn bắt quá mức cũng như mất môi trường sống đã làm giảm số lượng loài này xuống còn một tỷ lệ nhỏ so với quần thể và phạm vi sinh sống trước đây của chúng. 

Tuy nhiên, Quỹ Tê giác Quốc tế (IRF) thông tin rằng, trong hơn một thập kỷ qua không có bằng chứng nào về nạn săn trộm tê giác Sumatra được báo cáo - cũng không có xác chết tự nhiên nào được phát hiện, khiến cho sự biến mất của loài này càng trở nên bí ẩn hơn. 

Vì là loài động vật còn sống duy nhất tại Indonesia nên chính phủ nước này đang khẩn cấp hành động để bảo vệ và bảo tồn loài động vật cực kỳ quý hiếm này. 

"Ngọn hải đăng hy vọng" cho loài này xuất hiện vào cuối năm 2018, khi một dự án hợp tác do Bộ Môi trường và Lâm nghiệp của Indonesia dẫn đầu - có sự tham gia của IUCN, Quỹ Tê giác Quốc tế (IRF), Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), National Geographic, Global Wildlife Conservation; cùng các tổ chức bảo vệ động vật tại Indonesia - đã được triển khai nhằm đẩy nhanh quá trình nhân giống bảo tồn loài này bằng cách mở rộng Khu bảo tồn tê giác Sumatra Way Kambas và phát triển các trung tâm nhân giống nuôi nhốt mới tại Leuser và Kalimantan.

Kết quả rất đáng mừng. 5 con non đã được sinh và nuôi khỏe mạnh đến nay. Từ đó đến nay, Khu bảo tồn tê giác Sumatra Way Kambas đang tiếp tục nỗ lực nhân giống để tạo ra một quần thể tê giác mới.

Tham khảo: Sách Đỏ IUCN, ICE/HSI, International Rhino Foundation