Theo thông tin được đăng tải, vợ của anh Lý ở Trung Quốc đang nấu ăn thì hết muối nên nhờ chồng đi mua giúp. Tuy nhiên, anh Lý lúc đó lại đang dở việc, đành đưa cho con trai 50 NDT (khoảng 177.000 đồng) cho con trai 7 tuổi, dặn cậu bé xuống siêu thị ngay dưới nhà mua muối.
Rất nhanh sau đó, con trai anh Lý đã cầm gói muối lên nhà, nói thu ngân ở siêu thị không trả lại tiền thừa. Anh Lý nghe xong thì vô cùng tức giận, cho rằng người thu ngân thấy con trai mình còn nhỏ nên cố tình ăn gian.
Muốn làm cho ra lẽ, anh Lý lập tức chạy thẳng xuống siêu thị, lớn tiếng chất vấn nhân viên. Nhân viên thu ngân khẳng định mình đã trả lại tiền thừa nhưng anh Lý không tin vì nghĩ con trai sẽ không nói dối.
Nhân viên sau đó đã trích xuất camera trong siêu thị, từng hình ảnh khiến anh Lý sững sờ không nói nên lời. Hóa ra, con trai anh Lý đã nhận tiền thừa từ nhân viên thu ngân nhưng quá mê một món đồ chơi nên quyết định mua ngay. Sau khi mua xong, cậu bé liền cảm thấy hối hận vì sợ bị đánh đòn nên đã nói dối, đổ thừa cho nhân viên siêu thị.
Anh Lý biết việc làm của con trai, “muối mặt” xin lỗi nhân viên siêu thị, bên cạnh đó cố kìm nén cơn giận và nghiêm khắc giải thích cho con hành động đó là sai, yêu cầu con không được lặp lại.
Thông thường, có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ nói dối. Lần đầu tiên nói dối, trẻ sẽ rất căng thẳng, sợ nếu bị phát hiện thì sẽ bị la mắng, đánh đòn. Nếu trẻ nói dối trót lọt một lần thì sẽ có nhiều lần nói dối sau đó. Trái lại, nếu bị phát hiện và trách phạt ngay lần nói dối đầu tiên, trẻ sẽ không dám tái phạm.
Cha mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn, chú ý quan sát biểu hiện và thái độ của con để kịp thời uốn nắn. Trên thực tế, cha mẹ chỉ cần lưu tâm và nói chuyện với con nhiều hơn một chút thì sẽ dễ dàng nhận ra con đang nói dối hay không.
Khi phát hiện con nói dối, cha mẹ cần giữ bình tĩnh, tránh quát mắng hay trách móc con vì hành động này chỉ khiến trẻ hoảng sợ và nói dối nhiều hơn. Chỉ khi thật bình tĩnh, cha mẹ mới có thể tìm ra cách xử sự đúng đắn nhất.
Một việc quan trọng nữa mà cha mẹ cần làm là giải thích cho con hiểu tác hại của việc nói dối. Nếu con nhận ra lỗi lầm và hứa sẽ sửa sai, cha mẹ phê bình nghiêm khắc nhưng cũng nên khoan dung và tin tưởng con, khen con vì đã dám nhận lỗi.
Cha mẹ không gọi con là “kẻ nói dối” hay những câu tương tự, đồng thời thiết lập một số quy tắc trong gia đình và trở thành hình mẫu tốt để trẻ học theo. Có nghiên cứu đã chỉ ra những đứa trẻ bị cha mẹ lừa dối nhiều lần trong thời thơ ấu nhiều khả năng sẽ nói dối cha mẹ khi trưởng thành.
Một số đứa trẻ coi nói dối là chuyện bình thường, suy nghĩ này có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực, thậm chí là bất hợp pháp như ăn trộm, lừa đảo. Nếu phát hiện con có suy nghĩ như vậy, cha mẹ nên nhờ các bác sĩ tâm lý hoặc cố vấn trong trường học giúp đỡ.